HỌC BỔNG & TỪ THIỆN NHA TRANG KHÁNH HÒA
   
  HỌC BỔNG NHATRANG KHÁNH HOÀ
  Bài Viết Tưởng Nhớ Thầy - 4
 
Đọc tiếp Trang 3

“Tôi không phải là học trò của thầy. Nhưng tôi vẫn gọi thầy xưng con với thầy vì sự uyên bác và tuổi tác của thầy. Tôi đã từng nghe danh của thầy từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 1987 tên của tôi mới được vinh dự đặt bên cạnh tên của thầy khi tôi dịch cuốn Autour de la lune (Bay quanh mặt trăng) của Jules Verne, in ở Nhà xuất bản Tổng Hợp Phú Khánh. Thế rồi mãi đến những năm đầu của thập niên 90 tôi mới được gặp thầy. Câu chuyện như thế này. 
Đầu năm 1990, lúc đó tôi đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Khánh Hòa, tôi được phân công biên tập một cuốn sách dịch của tác giả Cung Giũ Nguyên. Đó là cuốn Le Fils de la Baleine, người dịch là Nguyễn Văn Hùng, tức Cung Giũ Hốt, em ruột của tác giả Cung Giũ Nguyên. Tôi đã đọc nguyên bản tiếng Pháp trước, sau mới đọc đến bản dịch. Tôi thấy khoảng cách giữa nguyên bản với bản dịch quá xa, nên tôi đã yêu cầu người dịch dịch lại, nhưng người dịch không đồng ý và đã rút bản thảo về. Một tuần sau tôi có dịp đến làm việc với một cộng tác viên rất nổi tiếng của Nhà xuất bản Khánh Hòa. Đó là Thầy Cung Giũ Nguyên. 
 
Tôi còn nhớ rất rõ. Khi tôi gõ cửa nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang, một ông cụ trông rất khỏe mạnh, ở trần, mặt quần pijama, chân mang vớ. Tôi nghĩ trong đầu cây cổ thụ đây, nhưng tôi thắc mắc vì sao ở trần mà lại mang vớ. Về sau ông cụ mới cho biết: ở trần là để cho mát, nhưng phải mang vớ là để khỏi bị muỗi cắn chân khi ngồi làm việc. Ngay từ đầu tôi đã thoáng thấy cái nét hài hước của ông cụ, một đặc điểm mà ít người nhận ra, vì khi nói đến Cung Giũ Nguyên thì thường người ta nghĩ ngay đến một ông trưởng giả khó tính hút píp xách ba-tông đi giày tây. Ông cụ hỏi tôi: Cái gì vậy? Thưa: Con ở bên Nhà xuất bản muốn gặp thầy. Ông cụ nhìn bộ dạng của tôi rồi phán: Năm phút thôi!
 
Đúng là cao đạo. Nhưng không phải thế. Hôm đó tôi đã được hầu chuyện ông cụ gần hai tiếng đồng hồ. Cuối buổi ông cụ cho tôi biết sở dĩ có cái lệnh năm phút thôi kia là vì ông cụ thấy rằng quỹ thời gian của mình còn ít quá, chứ không rỗi rãi như tôi. Khi biết được danh tính của tôi, ông cụ hỏi: phải anh là người đã chê bản dịch của Nguyễn Văn Hùng không? Thưa: Dạ phải. Hỏi tiếp: Chê người khác mà mình có làm được không? Tôi biết mình đã nhảy lên lưng cọp rồi. Vốn có máu hung hăng của bọn trẻ tôi thưa ngay: Dạ thưa, nếu thầy đồng ý thì để con làm thử. Lệnh tiếp: Thế thì về làm đi! Đến lúc này thì tôi mới thấy mình đã lỡ dại rồi. Thì giờ đâu? Cả ngày tôi làm việc và ở lại luôn tại Nhà xuất bản, chiều mới đạp xe đạp mười cây số về Trường Trung Học Phổ Thông Hoàng Hoa Thám Diên Khánh, nơi tôi tạm trú cùng với vợ con tôi; ở đó lúc bấy giờ ban đêm điện đóm không ổn định chút nào. Thế nhưng tôi đã cố gắng tốc hành trong vòng một tháng để dịch cho xong cuốn sách của ông cụ. Le Fils de la Baleine thành Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải thay vì dịch sát chữ là Người Con Trai của Cá Ông. Tôi rất hài lòng về cái tên mới này của bản dịch. Và tôi đã dịch tựa sách
Ngoài ra tôi cũng rất khổ công nhưng hài lòng khi chuyển được những câu ca dao miền Trung cũng như những phần trích bài ca bả trạo, mà cụ đã lược dịch sang tiếng Pháp, trở lại tiếng Việt đúng với nguyên bản. Khi đến trình cho cụ bản dịch, cụ bảo hai tuần nữa quay trở lại. Nhưng một tuần sau tôi lại có dịp đến làm việc với cụ. Cụ bảo: Xem xong rồi. Thưa: Có được không ạ? Trả lời: Được. Thưa: In được không ạ? Trả lời: Được chớ!
Thế là tôi về lo thủ tục xuất bản. Đối với Nhà xuất bản của chúng tôi thì không có gì khó khăn. Nhưng khi trình lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thì tôi được biết qua Trưởng phòng biên tập,Hay dở không cần biết sách của Cung Giũ Nguyên không được in ở Nhà xuất bản Khánh Hòa!
Tôi vốn tánh liều mạng nên gửi bản thảo thẳng ra Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội. Giám đốc Nhà Xuất bản Văn Học lúc bấy giờ, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, không những đã đồng ý cho phép xuất bản mà còn viết lời giới thiệu. Còn một việc hy hữu khác nữa là ở trang bìa 3 tôi có ghi ở đầu trang: VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM. Bên dưới hàng tít này tôi ghi: CUNG GIŨ NGUYÊN. Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học vẫn duyệt. Thế có nghĩa là CUNG GIŨ NGUYÊN được công nhận là nhà văn Việt Nam và tác phẩm Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải được thừa nhận là Văn Học Hiện Đại Việt Nam. Một kết quả ngoài dự định của cụ, vì sau 1975 cụ không được công nhận là nhà văn Việt Nam, trong khi thế giới vẫn công nhận cụ là một nhà văn học giả Việt Nam. Còn một mắc mứu khác đó là phần lớn các tác phẩm của cụ được viết bằng tiếng Pháp cho nên nhiều người cho rằng những tác phẩm đó không được xem là thuộc Văn Học Việt Nam. Tôi có đem việc này hỏi ý kiến của cụ thì cụ cho biết tiếng Pháp chỉ là một phương tiện diễn đạt còn nội dung vẫn là bản chất và bản sắc Việt Nam. Phần tôi thì tôi cho rằng nếu sách của cụ mà viết bằng tiếng Anh thì có lẽ Việt Nam ta đã đoạt giải Nobel về Văn Học từ lâu rồi. Tuy đã có giấy phép xuất bản từ năm 1991 nhưng mãi đến năm 1995 cuốn sách mới được in và phát hành. Lý do là vì lúc bấy giờ các cơ sở hợp tác xuất bản mà bây giờ được gọi là các công ty văn hóa không biết Cung Giũ Nguyên là ai cả; người ta lại còn thấy ngại một cuốn tiểu thuyết do một người Việt viết bằng tiếng Pháp lại được dịch trở ngược lại sang tiếng Việt. Một chuyện thấy sao lạ đời, mà lạ đời thì không ai dám mạo hiểm; ôm vào chắc là khó bán ra. (Nguyễn Thành Thống - Nha Trang ngày 8/11/2008. Sau cơn mưa trời lại sáng - Vĩnh biệt Thầy Cung Giũ Nguyên. Nguồn Vietscience)
 
Trong lần dự Ðại Hội Thẳng Tiến Bảy của Hướng Ðạo Việt Nam Toàn Thế Giới tại Houston, Texas, trưởng Cao Ngọc Cường đã kể lại cho tôi nghe chuyện anh mê cách giảng bài của thầy Cung Giũ Nguyên đến độ có hôm anh trốn học ở trường Võ Tánh để lẻn vào lớp học của ông, thầy cũ của ông, ở trường Lê Quý Ðôn để nghe giảng. Sau lần họp mặt đó, anh đã viết thư cho tôi như sau:
Sunday, January 25, 2004 11:04:33 AM
Chị Cung Lan thân,
Ðầu tiên xin gửi đến chị và gia đình lời cầu chúc sức khỏe, an bình trong năm mới. Không biết chị còn nhớ tôi, Ðà Ðiểu Siêng Năng Cao Ngọc Cường ở lều Báo Chí trại TT7.Riêng tôi, tôi nhớ giọt lệ của chị khi nhớ đến Bác cung Giũ Nguyên của chị ở quê nhà trong video quay hôm ấy.Trưởng Cung Giũ Nguyên cũng là 1 người thầy dạy vô cùng kính mến của tôi khi tôi còn là cậu học trò nhỏ năm Ðệ Tam ở trường Lê Quý Ðôn, Nha Trang nơi thầy từng là Hiệu trưởng. Xin chị chuyển đến Thầy lời biết ơn chân thành của tôi và tôi luôn cầu xin ơn trên cho Thầy tôi mạnh khỏ và minh mẫn, tôi vẫn thường theo dõi những bài viết của thầy trong Bạch Mã và vẫn còn mường tượng ra một Thầy Cung Giũ Nguyên với đôi mắt nheo nheo và nụ cười hóm hỉnh với tẩu thuốc bốc khói cầm trên tay không kịp ngậm vì say mê giảng bài cho đám trò nhỏ.Dấu hình thầy trong Bạch Mã in không thấy rõ lắm. Xin chị Lan làm ơn cho tôi biết thêm tin tức của thầy và nếu có thể được xin cho tôi địa chỉ hoặc email của thầy để tôi liên lạc với thầy vì nhờ Thầy tôi mới có một tâm hồn như hôm nay…Thân ái Bắt Tay Trái, Ðà Ðiểu Siêng Năng- Cao Ngọc Cường- Thanh Trưởng Thanh Ðoàn Quang Trung”
Ðược khá nhiều học trò nể phục, thương kính, thầy Cung giũ Nguyên là một biểu tượng cao trọng trong lòng mọi người không ngoài tôi. Vậy mà, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã chứng kiến cảnh ông suy sụp và khủng hoảng đến tội nghiệp. Tôi đã bàng hoàng khi thấy ông ngồi chổm hổm vừa khóc vừa đốt những chồng sách quý của ông trong một góc vườn nhà. Tôi, như những học sinh trung học trước năm 1975, không hề quan tâm đến chính trị nên không hề biết sự liên quan đầy quan trọng giữa tài liệu sách vở và tình hình chính trị của đất nước. Tuy nhiên hình ảnh của một người luôn luôn ung dung và tự tin trước sự kính nể cuả mọi người trong thành phố nha Trang trước đây, đang nhỏ lệ bi thương trước những cuốn sách bị đốt do chính mình, khiến tôi rất đau lòng và xót xa.
Năm 1979, tình cờ đọc một tập thơ Cách Mạng, tôi đã sửng sốt với bài thơ Nhớ Máu của Trần Mai Ninh:
Nhớ Máu
 
Ơ cái gió Tuy Hoà...
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại - lưng chừng
Gió nghỉ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộng.

Tôi đã thấy lòng tôi dậy
Rồi đây
Còn mấy bước tới Nha Trang
- A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.

Ơi hỡi Nha Trang!
Cái đô thành vĩ đại
Biết bao người niệm đọc tên mi.

Và Khánh Hoà vĩ đại!
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người,
Cả hồn ta sát tới
Nhìn mi!
Ta có nhớ
Những con người
Đã bước vào bất tử!
Ơ, những người!
Đen như mực, đặc thành keo
Tròn một củ
Hay những người gầy sát lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy,
Lòng bàn tay
Khắc ấn chuôi dao găm.
Chân bọc sắt,
Mắt khoét thủng đêm dày

Túi chứa cả Nha Trang... họ bước
Vương Gia Ngại... Cung Giữ Nguyên
Chút chít Hoàng Bá San... còn nữa!

Cả một đàn chó ghẻ
Sủa lau nhau
Và lần lượt theo nhau
Chết không ngáp!

Dao găm để gáy,
Súng màng tang

Ồng ộc xối đầy đường máu chó.
Chúng nó rú.
Cả trại giặc kinh hoàng.
Quy-lát khua lắc cắc
Giày đinh xôn xao
Còi và kèn...
Cả trại giặc bạt hồn, bạt vía...
Chạy lung tung
-Sớm mai xét và bắt
Thiết giáp cam nhông
Rầm rập nối đuôi nhau
Và đêm khuya: lại chết
Chồn Pháp, chó Việt gian
Ằng ặc máu

Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người
Cả hồn ta sát tới
Biết bao người
Sống lẩn lút nhưng ngang tàng
Bên lưng giặc!
Vẫn tổ chức, vẫn tuyên truyền
Hoặc giao thông hay liên lạc
Rải giấy
Treo cờ
Hay gồng vai tiếp tế
Từ bình minh cho tới trăng tàn
Đúc bê tông bên mặt trận
Và thì thào cùng du kích đi lên...
Cả ngàn chiến sĩ
Cả ngàn con bạc, con vàng
Của Tổ quốc!
Sống...trong đáy âm thầm
Mà nắm chắc tối cao vinh dự
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai
Vững tin tưởng nơi oai hùng
Và chiến thắng
Câu Việt Nam: dân tộc!

Cờ đã nâng cao
Màu đỏ máu
Với sao vàng tung rực rỡ!
Mặt hoàn cầu đã họp những tia xanh
Trán nhíu lại
Chú ý nhìn châu Á phía Đông Nam

Ta quyết thắng!
Việt Nam rồi đứng dậy
Sáng vô chừng
Rất tươi đẹp với Nha Trang và Nam Bộ
Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt
Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương
Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu!
Trần Mai Ninh
 
Tôi không biết Vương Gia Ngại và Hoàng Bá San là ai, và họ đã làm gì để phải bị chửi rủa thậm tệ như vậy, nhưng cảm thấy khủng khiếp khi thấy tên Cung Giũ Nguyên (Viết sai chính tả thành Giữ) bị chửi chung với những từ ngữ hết sức khó nghe như “chút chít”, “đàn chó ghẻ”, “sủa lau nhau”, “chúng nó rú” và “chó Việt gian”. 
 
Vì tôi biết những người lớn như bác tôi thời ấy thường không muốn con cháu bận tâm về những “chuyện của người lớn” nên tôi đã nín lặng và âm thầm tìm hiểu. Một thời gian sau, nhân dịp nghe ông tâm sự chuyện xưa tích cũ, tôi đã hỏi là ông có biết có người ghét ông không. (Trước lúc đó, tôi nghĩ là không ai có thể ghét ông hay nói cách khác là mọi người đều mến mộ và thương mến ông). Ông trả lời là ở đời làm sao tránh khỏi chuyện người ghét mình. Khi tôi hỏi có phải vì ông viết sách bằng tiếng Pháp trong thời Pháp thuộc nên những người ở phía bên kia cho ông là Việt gian không, thì ông không trả lời mà kể cho tôi nghe chuyện ông bị mật thám Tây báo thế nào không biết mà lính Tây cho người vây lùng bắt ông và cả gia đình nội tôi đến nổi tất cả phải đùm túm kéo nhau bỏ nhà trốn đi. Kết thúc cuộc nói chuyện, tôi chẳng tìm được căn cứ nào cho hai chữ Việt gian mà nhà thơ Trần Mai Ninh gán ghép cho ông. Vẫn như những lần nói chuyện khác, ông thường cho chúng tôi những lời khuyên sâu sắc và ý nghĩa. Hôm đó, ông cho tôi bài học luân lý là: Ðừng đánh giá con người qua bề ngoài. Ông kể là trên đường từ Nha Trang lên Diên Khánh trốn, khi chị họ của tôi và cả ông bị lính Tây bắn bị thương, không hề được giúp đỡ bởi những người có khuôn mặt hiền như bụt. Họ thối thác từ chối vì sợ bị vạ lây. Ðến khi cả gia đình tưởng đâu bị trấn lột bởi một người đàn ông có khuôn mặt như tướng cướp thì lại được ông này tận tình giúp đỡ và cho nơi ẩn trú. Ông là thế, khi có điều kiện kể chuyện, thường hướng con cháu đến những vấn đề giáo dục đạo đức hơn là những điều mà ông cho là vô bổ. Với lối nói chuyện của ông như vậy, sự tìm hiểu của tôi không được mở rộng thêm chút nào.
 
Năm 2004, sau khi cuốn sách Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm của tôi ra đời, tôi đã ngỡ ngàng khi H.K, một học sinh lớp 12 niên khóa 1974-1975 của trường Lê Quý Ðôn Nha Trang, hỏi tôi ' Có phải thầy Cung Giũ Nguyên là Việt Cộng nằm vùng không?’ Cô ta còn cho biết ba cô, người giữ chức vụ trong sở cảnh sát Nha Trang đã theo dõi một số Việt Cộng nằm vùng mà thầy Cung Giũ Nguyên một trong những người ở danh sách. Vì câu hỏi vặn: “Nếu thầy Cung Giũ Nguyên không thiên cộng thì tại sao ông không bị bắt học tập dài hạn như những nhà văn miền Nam khác trước năm 1975?” đã làm tôi sốc nên tôi cảm thấy không cần dấu cô ta làm gì. Tôi tiết lộ cho cô hay là thời hạn học tập của thầy Cung Giũ Nguyên của cô tuy ngắn hơn các nhà giáo và nhà văn miền Nam khác nhưng tình cảnh của ông không khác gì họ. Tôi còn cho cô ta biết thêm rằng thầy hiệu trưởng Cung Giũ Nguyên của cô không thể nào là người thiên cộng khi mà tôi đã nghe quá nhiều câu nói dí dỏm của ông về Xã Hội Chủ Nghĩa và chủ nghĩa Cộng Sản. Dù sao, đây là tin xấu mà tôi không thể giữ trong bụng được lâu. Khi về Việt Nam thăm gia đình, tôi hỏi bác có biết là trước năm 1975 ông bị cảnh sát Quốc Gia theo dõi không. Ông chỉ cười mà không hề hỏi lại hay nói gì.
 
Tôi không biết Cung Giũ Nguyên là ai trong mắt của những nhà chính trị. Nhưng tôi biết là ông đã biết sự ngộ nhận của nhiều người về ông. Quả là đúng,câu của thi sĩ Rainer Maria Rike(trong sách viết về nhà điêu khắc Rodin) cho danh vọng chỉ là tinh hoa của những ngộ nhận dồn dập chung quanh một tên mới 'La gloire n'est en definitive que la quintessence des malentendus qui s'assemblent autour d'un nom nouveau' Tôi sẽ nuôi dưỡng thứ hiểu lầm ấy khi trả lời những câu hỏi của anh, nhưng tôi có thể tự bào chữa khi thưa là những điều anh muốn biết, tôi đã ghi trên giấy và đã được công bố , và vài người đã biết đến nay”
 
Cũng trong bức thư gửi cho ông Nguyễn Hữu Thứ ở Canada, ngày 23 tháng 12 năm 1997, sau khi giải thích chuyện bị bãi chức năm 1930 và đề cập đến sự sa thải không cần cho biết lý do của nghị định thải hồi số 1027 ngày 28-3-1930 của Khâm sứ Trung Kỳ, ông đã giải bày như sau:
 
            “Tôi từ bỏ nghề dạy học, mà thâm tâm tôi rất thích.Tôi lại tiếc hơn nữa, vì từ dạo đó, tôi đã nhận ra cái yếu kém của phần lớn bạn bè cũ của tôi, của nhiều đồng bào của tôi là do ba yếu tố dốt, đói và sợ. Mà sợ, hay đói suy cho cùng, cũng chỉ vì cái DốT. Cá nhân thường hay chịu khốn khổ vì cái dốt của chính mình và phần lớn vì cái dốt của người khác. Nhiều dân tộc đã sống khốn cùng suốt kiếp chỉ vì rủi gặp bọn cai trị chỉ là phường dốt nát. Phải chi tôi có thể góp phần nhỏ nào trong công việc chống lại cái dốt, cái dốt của tôi trước đã, và cái dốt của thiên hạ sau.”
 
Rồi cũng trong bức thư này, ông bày tỏ thêm:
 
            “Cuộc dạy học đối với tôi như thể một trò chơi, hay một thử thách. Tôi tìm được nhiều niềm vui trong đó. Phần thưởng tôi nhận được, là tình cảm những học sinh của nhiều thế hệ, từ nhiều trường, dành cho tôi xưa nay. Tôi không thiếu sự thăm viếng của những người gián tiếp chứng tỏ là tôi đã dạy tốt, và tôi thật sự đã giúp ích. Không thiếu gì những học sinh cũ ở nước ngoài về, cũng ghé thăm, và ai cũng nhớ ít ra một cử chỉ hay một lời nói,( thường là người nầy khác với người kia) của tôi. Không thiếu gì cựu sinh viên hay học sinh, ngày nay là đồng nghiệp của tôi, và có người đã tìm ra được lý do tại sao mặc dù tôi không thiếu cơ hội, tôi đã không làm chính trị hay tham chính, và chỉ muốn nghề thầy giáo.”
 
Ông đã tự hào về nghề dạy của mình, tự tin với những gì mình đã dạy và hài lòng với những kết quả mà mình góp phần trong công việc giáo dục học sinh, bất kể là họ đang ở trong hay ngoài nước:
 
“Tôi không khỏi cảm động khi tình cảm học trò cũ lại được công bố trên giấy trắng mực đen, chẳng hạn, trước năm 1975, một lời tưởng nhớ trong luận án tiến sĩ y khoa, bảo vệ tại Sài Gòn, của một cựu học sinh trung học. Sau gần ba mươi năm, ông bác sĩ ấy từ tiểu bang Illinois, còn giữ được tình cảm đối với thầy cũ để viết những giòng như thế này. ‘Ðọc ngay trang đầu thư thầy lòng con thấy chùng hẵn xuống. Con đứng trên nước Mỹ cô đơn. Thầy chọn quê hương làm chốn lưu đày! Ðọc thư thầy con nghe từng hơi thở của Thầy, mệt nhọc nhưng quyết liệt. Thầy đang chuyển cho con sức sống của Thầy, những suy nghĩ của Thầy, những chiêm nghiệm của Thầy hơn nửa thế kỷ về lịch sử và con người. Con kiêu hãnh được thầy ký thác và giáo dục...’ 'Nhưng, cũng thật đặc biệt và quý hóa lời tưởng nhớ của một bác sĩ giám đốc bệnh viện của Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong luận án tiến sĩ, (năm 1991) đã dành một trang viết như thế nầy: ‘ Tri ân thầy CUNG GIŨ NGUYÊN, nguyên giáo sư Pháp văn Trường Ðại Học Cộng Ðồng Duyên Hải miền Trung. Mười năm qua Thầy đã tận tình giúp đỡ tôi mở rộng kiến thức, nhờ đó tôi đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn để theo đuổi con đường khoa học đầy chông gai và không kém phần gian khổ-Ký tên,,,’”
 
Khẳng định mình là ai, ông đã bày tỏ như sau: Một cuộc đời có thể tóm tắt nơi ba mục tiêu hay đề tài: dạy học, viết văn, và sống theo ba chiều hướng của lý tưởng hướng Ðạo: Xây dựng nhân vị, giúp ích cộng đồng, và hướng thượng. Vào lúc xế chiều, gần tới đỉnh cửu tuần, ngoảnh lại nhìn con đường đã di, tôi mừng đã được may mắn, và hết sức thành thật mà nói, chẳng chút chua chát hay oán giận gì, tôi còn có   được , ngay cho đến phút viết mấy chữ nầy. Sự giúp đỡ gián tiếp và bất ngờ của những kẻ nầy kẻ nọ, với lý do chính đáng hay không chính đáng, ghét cay ghét đắng tôi, muốn thủ tiêu thể xác hay muốn xóa bỏ tên tuổi hay hình ảnh, hay bôi bẩn trên đó... với sự giúp đỡ như vậy, tôi mừng đã tìm trong mọi phạm vi hoạt động một cái vui vô biên chọn đúng đường đi, những đã chọn những việc làm, hợp với tính tình và khả năng, theo phương châm của Hướng Ðạo mà tôi đón nhận từ năm 1936:gắng sức, sẵn sàng giúp ích, và từ năm 1940, với tin tưởng vững chắc nơi Tình Thương(Deus=caritas), là con đường, là chân lý, là sự sống
(Cung Giũ Nguyên- Thư Mục Cung Giũ Nguyên 2002-trang 186)
 
Có thể, những người ghét cay ghét đắng ông, muốn thủ tiêu thể xác và xóa bỏ tên tuổi của ông bởi vì: Có điều ngộ nghĩnh đáng ghi nhận là tình cờ hai việc dạy học và viết văn của tôi đã giúp đỡ lẫn nhau (không chỉ về mặt tinh thần hay tri thức, mà ngay trong thực tế tầm thường. Tôi nhờ dạy học mới có thì giờ và tâm trí để 'trả nợ văn chương'. Nhưng ngược lại, chính trò chơi viết lách của tôi lại giúp tôi tiến thân một cách dễ dàng (và trong sự bực tức của rất nhiều người) trong sự nghiệp dạy học của tôi. Tôi chẳng có bằng Tú Tài và được cử đi chấm thi Tú Tài, Nha Trang, Huế, Sài Gòn. Tôi được miễn xuất trình bằng cử nhân (có đâu mà trình) để được bổ nhiệm làm hiệu trưởng một trường trung học đệ nhị cấp. Không ai hỏi bằng Tiến sĩ của tôi để mời tôi dạy ở Ðại học hay chấm thi (về Pháp Văn) cho thí sinh Tiến sĩ đệ tam cấp. Trên những giấy tờ chính thức, khi liệt kê tên tôi, nơi mục bằng cấp, thay vì đề không, họ có khi viết 'Học giả' hay 'văn sĩ'”(Cung Giũ Nguyên- Thư Mục Cung Giũ Nguyên 2002-trang 187-188)
 
 
Hay vì những nhận xét thâm thúy của ông trên giấy trắng mực đen như: Hô hào hòa bình hòa giải: Sói tranh đấu cho hòa bình. Sau ngàn năm hay lâu hơn nữa chiến tranh liên tục với cừu, giống sói cầu hòa. Ðó là lợi cho cả hai phe. Thế là hòa giải đã xong, hòa bình long trọng ký kết. Hai bên trả lại những con tin, chó soi trao sói con, những người chăn chiên trao những chó của mình, dưới sự chúng kiến của những ủy viên. Nhưng rồi, sau một thời gian những sói con trưởng thành không quên được bản năng khát máu và giết chóc, sẵn sống trong chuồng cừu, giết một số đem về hang động chúng sau khi đã mật báo cho đồng loại biết. Những con chó làm con tin bên phía địch, chẳng biết gì, tin nơi hòa ước, ăn no ngủ kỷ, và bị sói lớn sói nhỏ đến cắn cổ trong khi chúng ngủ, và bị phân thây, trừ một con chạy thoát được. Nhà ngụ ngôn, không biết có muốn nói kháy chuyện của con người hay không, nhưng đã kết luận một cách chán chường: “ Ðối với kẻ dữ phải chiến đấu không ngừng. Hòa bình tự nó tốt thật đấy. Tôi đồng ý, nhưng làm sao nói chuyện hòa bình với những kẻ thù ngụy tín?” (Cung Giũ Nguyên - Câu Chuyện Ngành Ấu - Viết về Sói cho những Sói con không phải con sói)
 
Cho dù điều gì đã gây nên sự căm ghét, cho dù ông đã cống hiến cho thế hệ trẻ ở Nha Trang như thế nào và được giới trẻ kính phục ra sao, ông đã không được một tờ báo địa phương nào đăng tin chia buồn cho sự ra đi vĩnh viễn của ông. Ngoài Phóng viên Phan Song Ngân đăng tin Nhà Văn hóa Cung giũ Nguyên Vừa Từ Trần tại Nha Trang trên các mạng Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Nguyễn Ðình Quân đăng tin Nhà Văn Cung Giũ Nguyên Từ Trần trên trangTiền Phong, không một nhà văn nào trong nước, hay nhà báo nào ở địa phương dám ca ngợi về những cống hiến của ông cho ngành giáo dục, văn học và dịch thuật cho sinh viên, học sinh và các bác sĩ ở thành phố Nha Trang. Có lẽ bài thơ Nhớ Máu của nhà thơ Trần Mai Ninh còn ảnh hưởng quá mạnh mẽ khiến không ai có thể quên tên Cung Giũ Nguyên trong bài thơ ấy. Trong ngày thương binh liệt sĩ gần đây, nhà báo Thanh Thảo đã ca ngợi bài thơ Nhớ Máu hết lời như sau:
“Trần Mai Ninh đấy! Và bắt đầu từ ngọn gió dữ dội ấy, thơ Việt hiện đại có thêm một nhà thơ, một bài thơ bất tử: bài Nhớ máu. Hãy đọc lại bài thơ này với niềm đam mê, với tình yêu, và chúng ta sẽ thấy, cái nhịp thơ Nhớ máu ấy chính là nhịp rock, một loại hard rock mà ngay tới bây giờ cũng chưa dễ thưởng thức được trọn vẹn. Thơ bắt đầu từ ngôn ngữ, nhưng trên cả ngôn ngữ, siêu-ngôn-ngữ chính là nhịp thơ, chứ không phải vần thơ. Nhịp thơ đẩy bài thơ vọt lên phía trước, ấn vào vô thức người đọc, khuấy động tận đáy sâu tâm cảm người đọc. Đã nhiều năm tôi đọc Nhớ máu, ở nhiều hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau, và sau cùng, cái “ấn” vào tôi sâu nhất vẫn là nhịp (rhythm), cái nhịp kỳ lạ của bài thơ này:
“- A, gần lắm!
 Ta gần máu,
 Ta gần người,
 Ta gần quyết liệt.
 Ơ hỡi, Nha Trang!
 Cái đô thành vĩ đại”
(Thanh Thảo-Kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ- Việt Báo.vn-Mạng Việt Nam Thông Tin Ra Thế Giới ngày Chủ nhật, 23 Tháng bảy 2006)
 
Tôi đồng ý với câu “Câu thơ ngày trước có ngờ hôm sau” khi đọc nhận định của Thanh Thảo rằng “Trần Mai Ninh đã phải trả giá bằng chính cuộc đời mình cho bài thơ Nhớ máu. Giống như Lorca khi viết bài thơ định mệnh Bi ca cho Ignacio Sanchez Mezias ông đã kêu lên: "Tôi không muốn nhìn thấy máu", thì đó chính là máu của ông, máu của một nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại. Trần Mai Ninh đã "nhớ máu", và đó cũng là máu của chính ông, một nhà thơ Việt Nam quyết tử. Không chỉ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", mà còn quyết tử cho Thơ, cho sự đổi mới toàn diện Thơ: "Mắt ta căng lên/Cả mặt/Cả người,/Cả hồn ta sát tới" Đó là phút giây của xuất thần, của vô thức, của trào dâng, Thơ vọt ra như máu xối - máu của người yêu nước quyết tử, máu của nhà thơ tự do cả thân xác lẫn tâm hồn.” Trong khi khát vọng của bài thơ là được chứng kiến máu xối xả của kẻ thù và Việt gian “Chết không ngáp!”, “Ồngộc Xối”, “Ðầy đường máu chó” “ằng ặc máu” thì “chính tác giả sau này đã phải trả giá bằng chính cuộc đời mình” như Thanh Thảo nhận định và khẳng định. Tôi tôn trọng và khâm phục tinh thần chiến đấu của những người Cách Mạng chống Pháp nhưng tiếc cho Trần Mai Ninh đã không định rõ ai là những kẻ Việt gian trong cuộc chiến phức tạp của Việt Nam. Hơn bao giờ hết, tôi chắc rằng Trần Mai Ninh chưa từng gặp Cung Giũ Nguyên, chưa từng nghe Cung Giũ Nguyên nói chuyện, chưa từng thấy Cung Giũ Nguyên làm việc với giới trẻ như thế nào và chưa từng hiểu Cung Giũ Nguyên là ai.
Ngày 7 tháng 11, năm 2008 Cung Giũ Nguyên đã từ giã cõi đời trên chiếc giường của ông như người đang ngủ yên bình giữa căn phòng chỉ toàn sách và sách. Những học trò của ông, cô đơn trên nước Mỹ, trên các nước khác hay lưu đày trên quê hương, đều là những kẻ thành danh và thành nhân. Ðã có không biết bao nhiêu người tiếc nhớ nhắc nhở đến ông và không biết bao nhiêu người bày tỏ lời chân tình qua các bài thơ bài họa và tưởng niệm như:

 
Xem tiếp Trang 5
 
  Số lượt người đọc từ 1/6/2007: 53550 visitors (143995 hits)  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free