HỌC BỔNG & TỪ THIỆN NHA TRANG KHÁNH HÒA
   
  HỌC BỔNG NHATRANG KHÁNH HOÀ
  Phân Ưu - Điếu văn
 

Lên mạng ngày 12/11/2008

THÔNG BÁO
(ngày 7/11/2008)

Thưa quý Thầy Cô và các bạn
Thầy Cung Giũ Nguyên đã qua đời lúc 3 giờ sáng ngày 7 yháng 11 năm 2008 tại 60 đường Hoàng Văn Thụ, điện thoại (0)58 3814717 Nha Trang, hương thọ 99 tuổi.
Tin này đến với tôi trong lúc tôi đang ở Sài Gòn.
Công việc tổ chức phúng điếu của cựu học sinh Võ Tánh sẽ do anh Lê Văn Trợ, Trần Đăng Lộc hợp tác cới Thầy Nguyễn Ngân. Các anh chị có thể liên lạc với các anh kể trên để biết diển tiến lể an táng Thầy Cung Giũ Nguyên.
 
Trần Đăng Nhơn

THÔNG BÁO
Chương trình lể an táng Thầy Cung Giũ Nguyên
 
Quý Thầy Cô và các bạn thân mến
Chương trình lể an táng Thầy Cung Giũ Nguyên như sau:
  
*10,30 H ngày 7/11/008 lể nhập quan.
*9,00 H sáng ngày Chủ Nhật 9/11: Mời tất cả các Thầy Cô và các bạn cựu học sinh VÕ TÁNH NHATRANG có mặt tại nhà Thầy NGUYÊN 60 HOÀNG VĂN THỤ NHATRANG để thấp hương cúng Thay (nếu đến được). Tôi đã đặt làm 2 vòng hoa tươi mang hàng chữ:
 
*CỰU GIÁO SƯ VÀ CỰU HỌC SINH VÕ TÁNH NHATRANG*
       THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
 
*QUỹ HỌC BỔNG NHATRANG KHÁNH HOA*
       THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
*Lể DI QUAN :7,00 H ngày Thứ Hai 10/11, Các Thầy Cô và các bạn có mặt đúng giờ (nếu được) để tiển đưa THẦY về nghĩa trang xã VĨNH TRUNG.
*Anh Trầm Văn SÁU, Diên An, đại diện cựu HỌC SINH VÕ TÁNH đọc Điếu Văn,
 
Ban Liên Lạc : TRẦN ĐĂNG LỘC

PHÂN ƯU
***
Vừa nhận được tin buồn:
Thầy Gioan CUNG GIŨ NGUYÊN
Nhà Văn, Nhà Giáo, Nhà Báo, Trưởng Hướng Đạo Việt Nam
 
Sinh ngày 28/4/1909 tại Minh Hương, Hương Trà, Thừa Thiên
Đã từ trần vào lúc 3 giơ 15 phút ngày 7/11/2008
tại tư gia số 60 đường Hoàng Văn Thụ, Nhatrang
Hưởng đại thọ 99 tuổi

Ban Cố Vấn và Điều Hành Quỹ Học Bổng Nha Trang Khánh Hòa xin chân thành chia xẻ nỗi đau buồn mất mát cùng tang quyến.
Nguyện cầu hương hồn thầy Gioan Cung Giũ Nguyên được sớm hưởng Nhan Thánh Chúa
 
Thay mặt Ban Cố Vấn và Điều Hành
Trần Đăng Nhơn

Tường thuật tang lễ THẦY CUNG GIŨ NGUYÊN
 
Nhatrang ,những ngày của mùa mưa bảo.
Được Anh Nhơn từ SAIGON báo về cho biết, THẦY CUNG GIŨ NGUYÊN đã ra đi ngày 7/11/2008 lúc 3,15 g. Anh nhờ tôi thay mặt nhóm anh em cựu học sinh Võ Tánh còn ở tại NHATRANG tổ chức lễ viếng và đưa tiển THầY về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lập tức tôi đến nhà THẦY để được thấy mặt THẦY lần cuối cùng và ghi lại chương trình lễ an táng .
Thầy nằm ở gian phòng bên trái đang lúc các cha hành lễ. Khuôn mặt THẦY hiền lành , tươi như người đang ngủ. Bên ngoài,các hướng đao sinh trên khắp đất nước tề tụu về Nhatrang để mỗi người làm một việc, dưới sự điều khiển của các Trưởng.
Tôi gấp rút thông báo cho tất cả các bạn là học sinh cũ của THẦY,gồm nhóm của anh NHƠN, nhóm của tôi,và các   bạn nhóm đàng em.và đặt làm 3 tràng hoa tươi.,
Lễ Phúng điếu
 9,00g ngày 9/11/2008: tất cả anh em đúng hẹn đều có mặt tại nhà Thầy đông đủ. Nhóm lớp Anh Nhơn có Anh Trầm Văn Sáu , anh Võ Hữu Hạ , anh Lê Chữ , anh Lê Đức Niệm  ....Nhóm của tôi rất đông đủ,hơn 20 người .
Thầy Ngân đại diện tất cả các CỰU GIÁO SƯ,CỰU HỌC SINH VÕ TÁNH NHATRANG , NỮ TRUNG HỌC  NHATRANG trong va ngoài nước kinh viếng và phân ưu cùng GIA ĐÌNH TH62Y NGUYêN.
Lần lượt Anh Trầm văn Sáu đại diện nhóm cựu học sinh VO TANH  đang  ở NHATRANG dâng hương và phúng điếu 1 tràng hoa tươi (350,000d) và phong bì 1,500,000d.
Tôi đại diện QŨY HỌC BỔNG NHATRANG KHANH HOA kính dâng 1 tràng hoa tươi (350,000d). Đồng thời tôi cũng trao lại số tiền phúng điếu của các anh Đinh Viết Hạp , Đoàn Ngọc , Lê Khắc Xích , Tôn Thất Quang hiện ở Hoa kỳ  một tràng hoa tươi (300.000 và một phong tiền mặt 1.700.000$ ).
Nhóm cựu học sinh Võ Tánh   cùng lớp với Anh Nhơn  hiện ở Sàigòn gồm 18 người ( trưởng nhóm là anh Trần Văn Tâm cùng các bạn cùng lớp ) cũng nhờ anh Nhơn chuyển về Thầy số tiền 1,500,000đ và một tràng hoa tươi gửi ra Nhatrang bằng ‘điện hoa’ của bưu điện.
Anh Chị Trần Du và Phạm thị Hải cũng nhờ anh Nhơn chuyển số tiền 100USD về phúng điếu Thầy .
Trước linh cữu THAY,đại diện cho gia dinh có người con rễ đứng chủ lể,và con gái THAY ( con gái của bà Nguyễn thị Hoàng ) mặc áo dài tang đứng bên cạnh,
Buổi lễ diễn ra theo nghi thức công giáo , trầm lặng , trang nghiêm và cảm động.
Lễ di quan và an táng
7,00h sáng  10/11/2008,
Những ngày trứơc kia trời đổ mưa cùng với nạn lụt ‘thế kỷ’ tại Hànội . Hai bửa nay trời đã hết mưa , nhưng bầu trời nhuộm màu xám xịt . Đoàn người tiển đưa Thầy lần cuối   đã hiện diện từ sớm . Hai hàng hướng đạo sinh dàn chào từ cổng , tiếp đến là hai hàng người mang trang hoa tươi ghi những lời thương tiếc một NHÀ VĂN LỚN , MỘT NHÀ GIÁO trọn đới vì học sinh thương yêu , MỘT NHÀ BÁO , MỘT TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO tài ba…
Đoàn người tiển linh xa về Nhà Thờ Lớn để các cha làm lễ theo nghi thức công giáo , cầu cho linh hồn người quá cố về Nước Chúa .
Sau một tiếng đồng hồ làm lễ , đoàn xe tiếp tục đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang xã Vĩnh Trung . Huyệt đã đào xong nhưng khổ nỗi huyệt quá ngắn không đưa quan tài xuống được , phải để Thầy nằm trên mặt đất nửa tiếng đồng hồ để công nhân tiếp tục đào huyệt . Sau cùng Thầy cũng được an vị trong lòng huyệt để các cha làm lễ hạ huyệt ( mọi người trộm nghĩ vui rằng chắc Thầy “ chưa chịu chết’ )
Anh Lê Văn Trợ đại diện cho Trung Tâm Cung Giũ Nguyên tại Dallas ( Hoa Kỳ ) đọc bài điếu văn của anh Trương Hồng Sơn vừa gửi về từ Mỹ. Anh Trầm Văn Sáu đọc bài điếu văn đại diện cho cựu học sinh Võ Tánh Nhatrang .
Buổi lễ chấm dứt lúc 11 giờ trong sự nuối tiếc một người Thầy tài ba.
Nhatrang , ngày 12/11/2008
Trần Đăng Lộc .
 

 
Điếu văn 
của đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại

 

 

Kính thưa Thầy,

 

Trong bức phát họa chân dung của Thầy in nơi bìa sau tác phẩm Le Boujoum có ghi lời đệ tử một thiền sư Trung quốc như sau: Khi chưa học với Thầy, thấy sông là sông thấy núi là núi. Khi theo học với Thầy, thấy sông không còn là sông thấy núi không còn là núi. Sau khi học với Thầy, thấy sông vẫn là sông thấy núi vẫn là núi.

 

Học trò cũ của Thầy đang sống nơi hải ngoại hay còn ở quê nhà trung bình đã học với Thầy hơn 40 năm rồi. Người trẻ nhất gần 20 năm, lớn nhất hơn 60 năm. Ngày nay, cách thấy sông, núi của mỗi người hẵn là khác nhau, và có thể khác cả cách thấy sông, núi của chính Thầy. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trong chúng con, hình ảnh Thầy không khác bao nhiêu. Đặc biệt, với thế hệ học trò Nha trang thuộc thập niên 50, hình ảnh đó gắn bó thân thiết với tuổi thơ chúng con. Không đơn giản chỉ là hình ảnh một người thầy có tài năng chuyển giao tri thức, mà dĩ nhiên Thầy có thừa khả năng đó trong phạm vi chuyên môn của Thầy. Gắn bó một cách đặc biệt vì đó là hình ảnh một vị Thầy khả kính biểu tượng của một thế hệ thầy giáo vào tuổi 100 mà chắc chẵng còn bao nhiêu ở lại với thế gian này, nhưng đã tác động sâu xa vào tâm hồn học trò mình. Cho đến nay, học trò Thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi, hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học “ngoài môn học”, hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới lớn rộng hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái thời gian hạn hẹp của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó. Đồng thời, khó có mấy ai quên được nụ cười thật đặc biệt mỗi khi thầy chuyển tải các bài học này.

 

Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học. Những bài học vô cùng quý giá vì nó thật sự quan trọng cho cuộc đời và vì không chắc học trò nào khi đến trường đều được dạy theo một cường độ và cung cách như vậy. Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh biệt Thầy.

 

Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.

 

Thời gian mấy mươi năm qua, học trò Thầy và cả chính Thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này, và với rất nhiều học trò của Thầy, nó trở thành một cái phao tinh thần cho cuộc đời họ, bởi vì, trong suốt mấy mươi năm qua, có mấy ai không có những lúc muốn quị xuống, muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc, muốn mặc cho thế sự quay quần như thế nào, quay mình đi như thế nào. Bài dạy chỉ thật sự có tác dụng nếu chính người dạy tin và sống theo nó. Từ những nơi rất xa, nhìn về quê nhà, thấy cách sống của Thầy, ở vào cái tuổi của Thầy mà vẫn lừng lững không chịu thua với khả năng tàn phá của thời gian, học trò Thầy ấn tượng vô cùng.

 

Thầy có một quá khứ rất đáng để trân trọng nhưng Thầy luôn nhìn về trước và luôn làm giàu thêm cho sự nghiệp tinh thần của mình và làm giàu thêm cho cuộc đời. Trong một hoàn cảnh không thuận lợi chút nào, Thầy không ngừng viết, suy nghĩ, và cả học hỏi. Ở tuổi gần 100, vượt xa cái tuổi tự cho là “tri thiên mệnh” của người xưa, Thầy vẫn học. Thầy sử dụng computer rành hơn nhiều học trò Thầy bên kia bờ đại dương. Gần tuổi 100, Thầy vẫn còn ngồi trước máy vi tính gởi e-mail đến các học trò, người thân ở khắp nơi, cho đến khi... cơ thể Thầy không còn cho phép Thầy tiếp tục.

 

Chúng con, mỗi lần hồi tưởng lại khoảng thời gian đổi thay lớn trong đời, không mấy ai không thấy lạnh người. Nhưng cũng trong thời gian đó, ở Nha trang, thầy lặng lẽ ngồi viết tác phẩm Le Boujoum bằng tiếng Pháp, dày 684 trang. Chúng con thích ghi lại câu mở đầu và cũng là câu kết thúc trong tác phẩm này, do chính Thầy chuyển ngữ “...một vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại. Hy vọng nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để hy vọng? Nhờ biệt lệ nào được nâng đỡ như thế này, trong thời gian có giới hạn nhất định. Hay ta lại muốn cho thời gian còn kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt. Bởi tánh cách đột ngột của sự việc quá rõ ràng, nhưng một mối đầu luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia. Tuy sụ quên lãng những quy luật thường đi đôi với ảo tưởng. / Dưới kia là một vực thẳm âm u cuồn cuộn...

 

Kính thưa Thầy,

 

“Trăm năm” không chừa ai. Thầy đã vượt qua cái khoảng thời gian gần đúng 100 năm với một phẩm cách riêng biệt của Thầy, xưa nay mấy ai có được? Thầy để lại bao nhiêu thương tiếc cho người thân và cho rất nhiều học trò củ của Thầy. Thầy để lại những tác phẩm làm giàu cho cuộc đời, Thầy để lại những bài học quý giá. Đến lúc Thầy vĩnh viển ra đi. Chúng con cầu mong linh hồn Thầy sớm về nơi tốt đẹp.

 

Vĩnh biệt Thầy.

 

 

Trương Hồng Sơn

Thay mặt Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy ở hải ngoại. 

ĐIẾU VĂN
Chín mươi tuổi, ngồi trước bàn vi tính
Ngót một trăm , vẫn mê mãi sách đèn.
 
            Nhớ thầy xưa
 
Năm mươi năm về trước
Nữa thế kỹ trôi qua
Chúng con ra đời trong tao loạn
Trường lớp hiếm hoi
Trong số các thầy ,may mắn được gặp thầy
Những đứa trẻ ngô nghê , trở thành học sinh trung học
Thầy đã dạy chúng con biết thế nào là học
Học thế nào để có thể làm người
 
            Nhớ thầy xưa
 
Những lời thầy dạy, trăn trở cả cuộc đời
Thầy là tấm gương, là một người đối chứng
Tiếng tăm thầy là vô vàn hãnh diện
Uy tín thầy là tột đỉnh ước mơ
Thầy đã cho chúng con :
“ Volonté d’existence’, những ý chí sinh tồn
Đời thầy chẳng phải đầy dẫynhững ý chí sinh tồn đó sao?
Thầy mở lối cho chúng con vào “ Đời sống Tâm linh”
Thầy dẫn đường chúng con vào những khung trời triết học
Sống và chết với Nhatrang, thầy đến với ngư dân
“Le fils de la baleine” , là “ Đứa con Nam Hải”
Buồn cho đất nước điêu linh , Thầy viết
“ Le domaine maudit” - Miền đất dữ
Thầy đã chỉ cho mọi người: đâu là cõi “Thái Huyền”
“ Le Boujoum” giờ đây chẳng phải là tiếng vang huyền thoại?
Thầy ơi Thầy , chúng con rất hãnh diện vì Thầy
Tên tuổi Thầy vang vọng khắp nẽo trời
Học thức Thầy khiến người người khăm phục
 
            Thầy ơi Thầy
 
Lâu lắm rồi vẫn nhớ mãi nụ cười
Giọng Huế xưa chứa chan tình đất biển
Cặp mắt kia nhìn thấu mọi tâm can
Chúng con tin rằng :
Thầy nằm xuống, nhưng vẫn còn sống mãi
Trong trái tim đàn trò cũ thân yêu
 
Trước linh cữu
giờ đây
XIN BÁI BIẾT
 
Trầm văn Sáu
đại diện cho những học trò cũ của Thầy
( từ năm 1950 trở về sau )
 
 
  Số lượt người đọc từ 1/6/2007: 53555 visitors (144001 hits)  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free