* Người Xứ Vạn
Thương nhớ Thầy Nguyễn Bá Mậu
Nguyễn Thanh Ty
Sáng ngày 9 tháng 12 nẳm 2008, một anh bạn ở tận Nay Uy gửi một E-Mail báo tin: “Thầy Nguyễn Bá Mậu vừa qua đời lúc 20giờ ngày 08/12/2008 tại tư gia, thành phố Covina, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 102 tuổi. Mọi sự viếng thăm, phân ưu xin liên lạc với ái nữ của Thầy là Nguyễn Bá Tùng Diệp tại số điện thoại…”
Tôi đọc thư báo tin sự ra đi của Thầy với sự buồn bả bất chợt chứ không sững sốt ngạc nhiên chút nào.
Thầy đã hưởng trọn tuổi Trời ban một cách tròn vẹn hạnh phúc của cuộc đời.
Có bất ngờ, bàng hoàng chăng là sự ra đi đột ngột của Cô, vợ Thầy. Cô cũng là Cô giáo dạy vỡ lòng tiếng Pháp cho chúng tôi từ cái năm Đệ thất, niên khóa 1954-1955, tại trường Tương Lai, tiền thân của trường Văn Hóa sau này.
Cách đây khoảng sáu năm, khi các bạn bè tôi ở Nam Cali, cùng một lứa học Trường Văn Hóa, cùng nhau tổ chức đến thăm Thầy Cô nhân dịp Tết, tôi từ Boston gọi điện sang chúc Tết Thầy Cô thì Cô bốc phone. Khi nghe tôi xưng tên và kể lại vài kỷ niệm học với Cô, bỗng dưng Cô òa lên khóc. Nói trong tiếng khóc sụt sùi, Cô rất cảm động có những em học trò tự cái thuở nao, thuở nào cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nhớ đến Thầy Cô giáo dạy mình học mà còn nhớ cả những chút kỷ niệm ấu thời rất thân thiết như vậy. Sau đó Cô cho biết sức khoẻ Thầy Cô vẫn còn tương đối tốt, duy chỉ có Thầy giờ đã nặng tai lắm không thể nghe được điện thoại. Tôi nghe bên kia đầu giây tiếng của Cô khá lớn, lặp lại lời chúc tụng của tôi cho Thầy nghe. Tôi được nghe lại tiếng Huế trầm ấm của Thầy cám ơn tôi.
Vậy mà, chưa bao lâu sau đó, tháng Giêng năm 2003, tôi bàng hoàng nhận được tin dữ, Cô Nguyễn Bá Mậu đã giả từ cõi đời, đã về cõi Phật, chỉ sau một thời gian ngắn ngã bệnh.
Chúng tôi chỉ biết khóc thương mà tiễn linh hồn Cô về nơi vĩnh hằng, an lạc.
Cô sớm ra đi để Thầy ở lại một mình hiu quạnh, cô đơn với tuổi già. May mắn thay, Thầy còn có gia đình ái nữ thứ ba là Nguyễn bá Tùng Diệp sống bên cạnh, sớm tối chăm sóc sức khoẻ và hủ hỉ với Thầy.
Giờ đây, đến lượt Thầy nối bước theo Cô đến chốn Suối Vàng để tình nghĩa phu thê lại một nhà đoàn tụ, tình nghĩa sắt cầm cách đọan năm năm lại châu về hiệp phố ở cảnh Bồng lai.
Năm 1954, tôi học lớp Nhất ở trường Nam Tiểu học Nha Trang, cuối năm thi lấy bằng Tiểu học qua hai kỳ Écrit và Oral, đậu một cách dễ dàng. Vậy mà khi chen chân vào lớp Đệ thất, tôi bị nhiều cao thủ văn hay chữ tốt hơn tôi, đánh văng khỏi đấu trường Võ Tánh, một trường Trung học Công lập duy nhất ở Nha Trang thời bấy giờ.
Con nhà nghèo, chuyện đi học tư hồi ấy là cả một vấn đề, chẳng khác gì thời nay dưới chế độ cộng sản. Tất cả mọi cánh cửa tiến thân trên con đường công danh đều đóng chặt với kẻ nghèo.
Cha mẹ tôi thương con, sợ sau này cũng sẽ cơ cực như ông bà, nên cố gắng cho tôi đi học tư được ngày nào hay ngày ấy, mong con kiếm được chút ít chữ nghĩa đỡ cực tấm thân sau này.
Hồi đó Nha Trang chỉ bốn trường tư thôi. Khó khăn xin vào nhất là trường Bá Ninh, dành ưu tiên cho những ai có đạo Thiên Chúa. Tiếp đến là trường Bồ Đề ưu tiên cho con nhà Phật. Hai trường còn lại theo đạo trung dung, tương đối dễ vào hơn là Kim Yến và Tương Lai. Tôi không là con chiên cũng chẳng phải Phật tử nên ghi tên học lớp Đệ thất tại trường Tương Lai.
Trường Tương Lai nằm cạnh rạp xi nê Minh Châu, trên đường Công Quán (giờ là Yết Kiêu). Đối diện rạp Minh Châu là con đường Lê Lai ngắn ngũn, nối đường Công Quán và đường Nhà Thờ thành hình chữ H. Có điều ngẫu nhiên ngộ nghĩnh là đầu này là hí viện, cuối đầu kia là Thánh đường Tin Lành, nằm ở giữa là nhà văn hóa, trường Trung học tư thục Kim Yến.
Trường Tương Lai lúc đầu, Thầy Thái văn Châu làm hiệu trưởng. Thầy dạy toán rất hay, nhưng thầy nghiêm lắm, học trò trai hay gái Thầy đều phạt như nhau nên đứa nào cũng sợ Thầy một phép. Thầy có cây thước bảng, dài năm tấc, làm bằng gỗ mun, đen bóng, bốn cạnh bọc chỉ đồng, luôn để trên bàn. Chỉ ngó cây thước không thôi cũng đủ xanh máu mặt. Những anh chị dốt toán như tôi, đến giờ của Thầy thì cứ run cầm cập, trong bụng vái thầm Trời Phật độ trì cho tai qua nạn khỏi tiết học của Thầy.
Một kỷ niệm khó quên trong đời của tôi với Thầy Châu. Hôm đó, có lẽ không có Thánh Thần nào độ trì, Thầy đưa cây viết dò tên từ trên xuống dưới trong cuốn sổ điểm danh, hơn bốn chục cặp mắt ngồi ở dưới, trợn lên đưa theo sự chuyển động chầm chậm của đầu cây viết, bụng đánh lô tô, tim đập thình thịch. Vần A, B, C… phía trên đã lướt qua, cây viết đưa dần xuống phía dưới, đột ngột dừng lại ở vần T. Nhiều tên vần T lắm. Vái Trời cho Thầy đừng chấm đúng chữ T của mình. Thiên bất dung gian. Trời nào mà phù hộ cho mấy cu cậu học trò đã dốt lại lười. Trời đất quỉ thần ơi! Ngòi bút Thầy dừng đúng ở cái tên xấu xí của tôi. Thôi thì phải đành trời kêu ai nấy dạ.
Trong bầu không khí im phăng phắc, đặc như keo, nặng như chì, tiếng ruồi vo ve bay trong lớp nghe rõ mồn một, vậy mà tiếng guốc vông của tôi mang dưới chân có đóng cái móng ngựa, lượm ở bến xe ngựa chợ Đầm, cho đỡ mòn, cứ gõ cốp cốp vang lên từng tiếng theo từng bước chân ngập ngừng theo kiểu nàng Kiều “bước đi một bước giây giây lại dừng” vì sự sợ hãi cuống quýt của tôi. Cái âm thanh móng ngựa lốp cốp lúc đó sao mà nghe chát chúa vô duyên, lãng xẹt một cách kỳ dị đáng ghét. Bao nhiêu cặp mắt lúc nãy theo dõi cây viết của Thầy Châu bây giờ nhất loạt quay sang tôi, làm như chúng lần đầu nghe tiếng gõ của đôi guốc vông của tôi vậy. Người tôi mọc gai ốc khắp châu thân. Tôi mắc cỡ sượng trân cả người. Nếu được có cái lổ dưới chân cho tôi chun xuống trốn lúc này thì hay biết mấy. Thầy Châu chăm chú ngó xuống chân tôi một lúc rồi quay mặt về phía bảng đen đưa tay che miệng cười. Cử chỉ của Thầy tuy kín đáo nhưng cũng không lọt qua khỏi những đôi mắt tinh ranh của những “con ma xó” của đám quỉ ngồi phía dưới.
Bỗng một tiếng cười khúc khích nho nhỏ của ai đó nổi lên rồi như tiếng nổ dây chuyền, cả lớp cười rộ lên, Thầy Châu cũng quay xuống cười theo.
Cái không khí nặng nề lúc nãy bỗng nhiên tan biến mất hồi nào không hay.
Bài toán đại số Thầy Châu ra cho tôi hôm nay hình như phá lệ, không khó như mọi lần. Tôi cứ lẩm nhẩm trong bụng như đọc thần chú: cộng cộng thành cộng, cộng trừ thành trừ, trừ trừ thành cộng… Rốt cuộc tôi giải bài toán một cách ngon lành.
Hú hồn hôm ấy.
Thầy Châu tuy rất nghiêm và khó lúc đứng lớp, nhưng mỗi dịp Tết, chúng tôi đến nhà thăm Thầy Cô thì Thầy rất vui vẻ nói cười và coi chúng tôi như khách, đãi chúng tôi cả rượu whisky. Thầy còn khoe với chúng tôi những đóa phong lan Thầy sưu tầm được.
Trái lại với giờ toán khô khan và lo lắng, đến giờ học Pháp văn với Thầy, Cô Nguyễn Bá Mậu cả lớp lại rất vui. Giọng Huế của Cô khoan thai, nhẹ nhàng giảng giải về nguyên tắc văn phạm của tiếng Pháp. Còn Thầy thì cho chúng tôi một bài Thème để tự ý dịch. Thầy xuống văn phòng lo việc sổ sách. Chừng nửa tiếng sau Thầy trở lại lớp, kêu một số lên kiểm tra và giải nghĩa những tiếng khó.
Thời khắc nửa giờ ấy là khoảng thời gian chúng tôi tha hồ lộng hành, giả ma, làm quỉ, nghĩa là tha hồ chạy loạn trong lớp để hỏi nhau, để nhờ tra từ điển và …đi “cóp dê”.
Niên học sau, có lẽ nhờ tiếng lành đồn xa, trường Tương Lai học trò kéo nhau đến xin học rất đông, trường không đủ chổ chứa. Tiếng gọi là trường chứ thực ra đó là một cái vi la kiểu Pháp chỉ có hai phòng, toạ lạc ngay bên hông rạp xi nê Minh Châu. Khoảng sân chơi rất hẹp, chạy dọc theo chiều dài rạp hát. Phía vách tường của rạp đối diện với hai phòng học, ông họa sĩ của rạp xi xê bày đầy các panô vẽ hình quảng cáo các phim sắp chiếu. Giờ ra chơi chúng tôi đứng xem ông họa sĩ vẻ rất hấp dẫn. Nhất là hình những cô đào xi nê phô bày mông ngực lồ lộ rất khiêu khích.
Chắc có lẽ vì cả hai lý do, trường chật và môi trường không thích hợp cho học trò (có lẽ Thầy Châu sợ học trò hư… mắt) nên Thầy bắt chước bà mẹ Mạnh Tử dọn nhà ba lần để kiếm chổ thích hợp cho con an tâm học hành, Thầy Châu dọn trường ra cạnh Quốc lộ I, xây trường mới trên đám ruộng rau muống. Bốn bề trống trãi. Xa xa về phía núi Sinh Trung là bến xe Ninh Hòa. Phía trước mặt trường, bên tay phải là hảng nước đá Tuyết Mai, bên tay trái là tiệm bán gỗ Công Hoan, có cô con gái rượu tên cũng là Tuyết Mai, Đặng thị Tuyết Mai, đang theo học tại trường.
Tuyết Mai sau này trở thành Đệ nhị phu nhân của nền Đệ nhị Cộng Hoà.
Ngôi trường mới Tương Lai khang trang vươn mình trên đám rau muống xanh rì, gồm có bốn phòng học và một văn phòng.
Thầy Thái văn Châu tánh tình phóng khoáng, không thích gò bó, lại có thú yêu hoa phong lan, tuần nào cũng phóng xe Lambretta lên tận Đà Lạt, Lâm Đồng để sưu tầm hoa rừng. Có hôm Thầy từ xứ đất đỏ trở về, chưa kịp về nhà, phải đến trường ngay cho kịp giờ lên lớp, bụi đỏ còn phủ đầy quần áo tóc tai, chiếc xe máy còn treo lủng lẳng mấy giò phong lan.
Niên khóa 1955-1956, Thầy Thái văn Châu nhường chức vụ Hiệu trưởng lại cho Thầy Nguyễn Bá Mậu để tiếp tục điều hành trường sở.
Tên trường Tương Lai đổi tên thành Văn Hóa và ngày càng phát triễn từ đó.
Trường Văn Hóa có một đội ngũ giáo sư rất nổi tiếng và có uy tín lúc bấy giờ.
Môn Việt văn: - Thầy Nguyễn Duy Nhường cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Hán học bút hiệu Thanh Vân. - Thầy Thạch Trung Giả.
Môn Lý Hóa: - Thầy Đào Trữ
Môn Anh văn: - Thầy Nguyễn Ngân
Môn Sử địa: - Thầy Nguyễn Mậu (Sau là Dân biểu Quốc hội)
Môn Vạn Vật: - Cô Gia
Môn Pháp Văn: - Thầy và Cô Nguyễn Bá Mậu
Môn Toán: - Thầy Thái văn Châu
Trường Văn Hóa dạy học trò nổi tiếng, năm nào cũng đều có số học sinh đậu nhiều và đậu cao ở Nha Trang. Hồi ấy có kiểu quảng cáo trường rất ngộ là “sô” tên học sinh trúng tuyển, luôn cả thứ hạng, lên “băng rôn” treo trước cổng trường để cho phụ huynh thấy thành tích dạy dỗ của trường mà yên tâm gởi con mình theo học.
Tôi chỉ học bốn niên khóa mà trường có đến hai tên: Tương Lai+Văn Hóa. Đến năm Đệ tứ, 1958, tôi thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất cấp và được tuyển thẳng vào lớp Đệ Tam trường công lập Võ Tánh.
Thầy Nguyễn Bá Mậu, người cao dong dỏng, to ngang, vai thẳng, tóc chải và dáng đi hơi giống tài tử Gary Cooper, chuyên đóng vai anh hùng cao bồi Texas, bắn súng nhanh như chớp, thần tượng xi nê của chúng tôi thời bấy giờ. Vì vậy chúng tôi thích kêu lén sau lưng Thầy là Thầy Gary Cooper hơn là kêu đúng tên thật của Thầy.
Hồi ấy tôi là một trong những học trò dốt có hạng. Nhất là môn sinh ngữ. Không biết có phải là do nhà nghèo không có tiền mua tự điển hay sách học thêm hay không nên việc học rất khó khăn. Ở xóm tôi, cả một đám nhóc hơn mười đứa đi học cũng đều giống như tôi, “mêm xốt xèn” dốt cả lũ. Không đứa nào có nỗi một cuốn tự điển Pháp Việt -Việt Pháp bỏ túi để dùng. Hay là “hát dở chê rạp chật”? Thiếu gì người cũng nghèo khó sao người ta cứ học giỏi! Trần Minh khố chuối đó sao?
Tôi ngồi bàn đầu cạnh Nguyễn Bá Vinh con trai đầu của Thầy. Ngoài bìa là Trần Duyệt. Duyệt cũng con nhà nghèo, còn nghèo hơn cả tôi nữa nên Thầy Mậu nhận làm con nuôi, đem về cho ăn ở trong nhà. Cạnh Trần Duyệt ngoài bìa cùng là Nguyễn Mạnh Tánh. (Đang ở San Jose)
Mỗi lần Thầy cho một bài để dịch từ Pháp ra Việt hay từ Việt ra Pháp là tôi cứ bấu lấy Bá Vinh. Hắn ta có tự điển. Rất khó khăn lắm hắn ta mới cho tôi mượn một lúc, bởi hắn cũng đang cần mà. Thành ra tôi cứ như con ma theo báo hắn, cứ hỏi hắn hết chữ này sang chữ khác. Riết rồi hắn nổi cáu, đẩy vở qua bên tôi để tôi “cóp dê” cho mau. Thiệt là “phẻ”. Có lẽ do được “cóp dê” nhiều quá mà tôi thành ra dốt Pháp văn chăng?
Thầy Mậu biết tỏng tôi dốt mà bài tập lúc nào cũng có điểm cao cho nên Thầy cứ lừ lừ mắt nhìn tôi nửa như dọa, nửa như chế nhạo. Có điều bài dịch từ Việt ra Pháp tôi thua Bá Vinh. Ngược lại từ Pháp ra Việt, văn tôi trôi chảy hơn nên Thầy Mậu cũng có ý phân vân chưa chắc là tôi “cóp dê” bài của Bá Vinh toàn bộ.
Trong lớp có một anh học trò rất “ma lanh” tên là Võ văn Minh, tự là Minh Móm, vì cái miệng của anh nó… móm. Thầy rất thương mà cũng rất bực anh chàng này bởi cái tính “ma lanh” của anh ta. Một bài tập Thầy vừa mới cho, trong vòng nửa giờ, thay vì thời lượng 2 giờ , anh chàng Minh đã làm xong, đem lên nộp cho Thầy rồi ngồi rung đùi chơi. Ban đầu thì Thầy Mậu rất ngạc nhiên với đứa học trò giỏi này làm bài nhanh quá, nhưng sau khi chấm bài xong, Thầy nổi giận quăng quyển tập xuống đất, bắt làm lại vì chi chít những lỗi văn phạm, nhất là cái tật hay khoe chữ. Thay vì dịch một chữ này sang tiếng Pháp thì ngoài cái chữ chính ra anh ta chua thêm đôi ba chữ khác nữa cũng đồng nghĩa ở bên cạnh.
Thầy Mậu cấm nhiều lần không được làm như thế vì vô ích, không cần thiết, nhưng chứng nào tật ấy, cái bịnh khoe chữ vẫn cứ tiếp tục để rồi bị mắng hoài, rất buồn cười.
Để giúp học trò thêm dễ dàng trong việc học tiếng Pháp, Thầy Mậu đã khổ công viết ra cuốn “Pour écrire corectment Francaise” rất ngắn gọn, dễ hiểu, học mau thuộc.
Đọc tiếp