HỌC BỔNG & TỪ THIỆN NHA TRANG KHÁNH HÒA
   
  HỌC BỔNG NHATRANG KHÁNH HOÀ
  Tiểu sử Thầy Nguyễn Bá Mậu
 



Đôi hàng về Giáo Sư Nguyễn Bá Mậu.
Giáo sư Nguyễn Bá Mậu sinh năm 1908 tại Huế trong một gia đình nề nếp nho phong. Hồi trẻ, Giáo sự học tại Huế hết bằng Diplome (tương đương với THĐ1cấp, nhưng chương trình của thời đó, thập niên 20, rất khó) rồi sau đó ra Hà nội theo ban Tú Tài và Đại Học. Chính tại Hà nội, một thành phố nổi tiếng là thanh lịch và ở trong lứa tuổi hoa niên tươi đẹp đó, chàng thanh niên có dáng người dong dỏng cao, nét mặt cương nghị, thông minh, trí thức đã gặp một thiếu nữ cũng thật thanh tú, dịu dàng, nết na, con nhà gia giáo và có một cái tên thật đẹp là Tùng Linh, cũng từ thành phố Vinh ra Hà Nội học. Một Tình Yêu tuyệt vời trong sáng và lễ giáo đã nẩy nở õ giưa hai tâm hồn đồng điệu. Rồi cô Tùng Linh sau khi học xong đã trở về lại Vinh để mở một trường Tiểu học. Còn chàng trai Nguyễn Bá Mậu thì trở về Huế để trở thành một Giáo sư day Pháp Văn tại các trường Trung học Khải Định và Nguyễn Du. Khi hai người xin phép song thân hai bên để được thành hôn thì đã được hoan hỷ chấp thuận ngay. Một đám cưới thật linh đình đã diễn ra taị Huế năm 1941.
Năm 1953 Thầy Cô dời vào Nha Trang tiếp tục nghề day học. Thầy day trường Trung Học công lập Võ Tánh, và tư thục Tương Lai. Riêng cô, chỉ day trường Tương Lai. Cuộc sống gia đình của Thầy Cô thật êm đềm, hạnh phúc với kết quả là 6 người con, 3 trai, 3 gái thật thông minh, hiền ngoan và hiếu hạnh.
Năm 1958 Thầy thành lập Trung học Tư thục Văn Hóa và đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng cho mãi đến tháng 4 năm 1975. Thời thế thay đổi và vì hoàn cảnh bất khả kháng, Thầy phải hiến trường cho nhà cấm quyền mới. Từ đó Thầy chính thức giã từ nghề day học, dù rất yêu nghề. Thầy đã xử sự như một chính nhân quân tử. Rất may mắn, cuộc sống kinh tế gia đình của Thầy Cô vẫn thoải mái vì Thầy Cô có người con trưởng, như quý vị đã biết, là anh Nguyễn Bá Vinh, du học từ thập niên 60 ở Nhật rồi sau đó qua làm việc ở New York (Hoa Kỳ).
Năm 1981, anh Vinh đã bảo lãnh Thầy Cô sang đoàn tụ. Trước khi có được giấy tờ để sang Mỹ, hai cụ đã phải hiến thêm một biệt thự khang trang ở gần trường TH bán công Lê Quý Đôn để được xúc tiến hồ sơ đoàn tụ. Ba năm đầu hai cụ sống tại New York, sau đó về định cư tại Nam California, nơi có khí hậu ấm áp thích hợp hơn với các cụ.
Năm 1995 Thầy Cô đã sang thăm Pháp, quê hương của văn chương và nghệ thuật mà Thầy Cô ái mộ, một chuyến du lich mà hai cụ đã mơ ước từ bao lâu mà đến thời điểm đó mới có cơ duyên thực hiện. Cũng lần này Thầy Cô đã viếng thăm thêm nhiều nước ở Âu Châu.
Suốt cả cuộc đời, Thầỵ và Cô đều rất tha thiết yêu nghề day học mà Thầy Cô coi là một lý tưởng cao quý. Thầy Cô luôn luôn khuyến khích, giúp đỡ các học sinh nghèo mà hiếu học. Nhiều học sinh mà gia đình thiếu thốn tài chánh đã được Thầy Cô không những miễn học phí mà còn đưa về ở trong nhà, coi như con cháu, để săn sóc và day dỗ. Có nhiều cựu học sinh của Thầy Cô vẫn còn ghi nhớ công ơn trời biển đó.
Sự ra đi của Cô vào tháng 1 năm 2003 đã là một mất mát vô cùng lớn lao cho Thầy. Nhưng rất may, Thầy vẫn còn những người con đầy hiếu hạnh săn sóc, phụng dưỡng thật chu đáo cho đến tận những ngày tháng và giây phút cuối cùng của cuộc đời Cụ trong ngôi nhà ấm cúng, thân thuộc của anh chị Tạ Bảo An và Tùng Diệp.
Nếu cần phải nói tới một đam mê của Thầỵ, thì đó là thi văn Pháp, một đam mê mà Thầỵ đã có từ thủa thiếu thời để từ đó biến thành một cái Nghiệp, nghiệp day Pháp Văn. Đây là một Thiện Nghiệp có phải không ạ? Thầỵ đã viết và cho xuất bản 2 cuốn sách giáo khoa Pháp văn là cuốn Le 18ème Siecle (Văn chương Pháp Thế Kỷ 18) và cuốn Pour Ecrire Correctement Le Francais (Để Viết Đúng Tiếng Pháp). Cuốn sau này là cuốn sách mà hầu hết học sinh trung hocỉ ở thế hệ chúng tôi, giữa thập niên 50, đầu thâp niên 60, đã sử dụng để trau dồi Pháp văn và nhờ đó đã có một căn bản vững vàng môn sinh ngữ này. Phải công nhận trong thời Trung học của chúng tôi thì Thầỵ là một giáo sư day Pháp văn thật hay, với một kiến thức phong phú và uyên bác, một phương pháp sư phạm vững chắc, và một nghệ thuật truyền đạt tuyệt vời.
Nếu nói về tính tình thì thầy khá nghiêm nghị, mà không khắc nghiệt, đúng cung cách của một nhà mô phạm chừng mực thời đó. Thầy rất tận tâm và công bằng. Chắc chắn một điều là Thầy rất thương yêu học sinh. Thầy tha thiết và nhiệt thành giáo dục, hướng dẫn học sinh mình để trở thành những người công dân tốt, có kiến thức và hữu dụng cho đất nước.
Có thêm một vài điều thú vị về Thầy mà nếu không nói ra thi e là thiếu sót. Đó là mỗi khi ra khỏi nhà y phục của Thầy luôn luôn tươm tất, với quần mầu đậm, chemise trắng được ủi kỹ, thẳng nếp vì hồ rất cứng. Thầy luôn luôn đội mũ nỉ, dáng người lại cao cao đối với tầm vóc của người Việt mình, thành ra các học trò của Thầy ở Nha Trang đã mệnh danh Thầy là Gary Cooper. Thầy biết điều đó chứ, nhưng thầy vẫn làm nghiêm. Và cũng nhờ đó mà Thầy biết được tên của một tài tử màn bạc nổi tiếng. Anh Vinh đã nói rằng “Có lẽ đây là tài tử màn bạc duy nhất mà Ba tôi biết tên trong suốt 100 năm cuộc đời của Cụ”
Thêm một điều nữa là Thầy nghiện thuốc lá, luôn luôn ngậm điếu thuốc trên môi. Những năm đầu ở Mỹ, cụ cũng rán bỏ hút. Nhưng những năm gần đây, không chịu nổi, có lần cụ đã lén đưa tiền nhờ cháu ngoại mua hộ thuốc và lén hút. Trên đầu giường của cụ vẫn còn dán câu nói khôi hài của nhà văn Mỹ Mark Twain “Quitting smoking is easy, I’ve done it a thousand times”. Điếu thuốc cuối cùng mà cụ hút cũng chỉ vài tiếng trước khi ra đi.
Vâng, Thầy đã ra đi thật êm đềm sau 101 năm sống trên trần thế và chứng kiến, kinh qua biết bao nhiêu biến động của lịch sử đất nước. Thầy ra đi trong sự tiếc thương vô tận của gia đình, thân tộc, thân hữu và cựu môn sinh thuộc nhiều thế hệ ở khắp nơi tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Nguyện cầu hương linh Thầy sẽ mãi mãi bình an trên cõi Niết Bàn.
Trong tâm tư chúng con, Thầy chính là hình ảnh trong sáng, nhân hậu, gương mẫu tuyệt vời của một Nhà Giáo Chân Chính Việt Nam.
Chúng con luôn nhớ đến công ơn dậy dỗ của Thầy và thành kính bái biệt Thầy.

Nguyễn Đình Cường
Cựu học sinh Trung học Võ Tánh (Nha Trang) 1955-61.


Đọc Bài Viết Tưởng Nhớ Thầy
 
 
  Số lượt người đọc từ 1/6/2007: 55183 visitors (146207 hits)  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free