Tiếp theo
Trong cuốn sách này, Thầy dùng hai người con đầu của mình làm nhân vật chính để đặt những câu ví dụ. Đó là anh anh Bá Vinh và chị Tùng Chi (chị học sau chúng tôi một lớp). Thành ra, cả lớp chúng tôi lúc nào cũng học và nói tới Bá Vinh và Tùng Chi. Tôi không nhớ rõ thời gian ấy Bá Vinh có sướng hĩnh mũi lên trời không nhưng trong lòng tôi vẫn còn nhiều kỷ niệm với Bá Vinh. Thể tạng anh ốm yếu, tay chân cà khêu, nước da trắng xanh, không so bì được với lũ chúng tôi, con nhà dân chài, đánh cá, nước da nắng ăn đen chắc nịch. Những lúc ra chơi, chúng tôi chia phe đánh giặc, Bá Vinh chỉ thơ thẩn trên hành lang, không dám nhập bọn với lũ ôn thần, thiên lôi.
Hết niên khóa 1957-158, tôi vào học trường Võ Tánh, không còn học chung với các bạn cũ nữa. Đến năm 1962 tôi đậu Tú Tài xong, ra Qui Nhơn học Sư Phạm, nghe tin Bá Vinh đi du học ở Nhật. Từ bấy đến nay, 50 năm hơn, không gặp lại nhau liệu Bá Vinh còn nhớ người bạn này không!
Cũng khoảng thời gian hai năm Đệ Ngũ, Đệ Tứ, các trường Kim Yến, Bồ Đề đua nhau trình diễn văn nghệ ở các rạp xi nê Tân Tân, Minh Châu để lấy tiếng, họ còn có cả đội banh tổ chức đấu giao hữu hàng tháng giữa các trường với nhau. Chúng tôi không chịu kém, cũng họp nhau thành lập ban Văn nghệ có đủ cả các bộ môn như kịch, múa, hợp ca, đơn ca…. và một đội banh rất bảnh, chiều nào cũng dợt trên sân cỏ, cạnh Toà Án Nha Trang. Xong đâu đó rồi, chúng tôi trong Ban văn nghệ hí hửng kéo nhau lên văn phòng xin Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Bá Mậu cho phép dùng lớp học trong những ngày nghỉ để tập dợt. Nhất là xin quĩ nhà trường để mua sắm đồ trang trí áo quần.
Ai dè, Thầy Mậu nghe xong, nghiêm nét mặt, tuyên bố một câu cứng rắn làm chúng tôi cụt hứng:
- Đây là trường Văn Hóa chớ không phải trường Văn Nghệ. Các con lo học hành cho đàng hoàng đi, thì giờ của các con rất quí. Đừng phung phí thì giờ trong việc hát hò. Thầy không chấp thuận đâu.
Quả thực, lúc ấy chúng tôi rất thất vọng và tiu nghĩu, tiếc cho công lao tâm huyết của mình đã bỏ ra rất nhiều để tổ chức và nhiều đêm nuôi giấc mộng làm nghệ sĩ…
Nhưng qua những kỳ thi, học sinh Văn Hóa đậu nhiều, đậu cao hơn hẵn những trường khác, lúc đó mới biết ơn Thầy đã ngăn cản cái ý muốn bồng bột tuổi trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới, chỉ nghĩ đến việc vui chơi mà quên đi chuyện học hành là chính.
Viết đến đây, tôi lại chợt nghĩ đến một cô học trò đã từng ngồi ghế nhà trường Văn Hóa, giờ đã 70 cái xuân già rồi, đã từng là Đệ nhị phu nhân rồi mà vẫn còn ham văn nghệ, văn gừng, trở về Việt Nam để đêm đêm uỡn ẹo trong phòng trà ca nhạc, vớt vát giấc mơ ca sĩ của mình trong những ngày cuối đời.
Đáng thương hay đáng phục?
Tôi học Pháp văn và Anh văn song song nhưng chọn Anh văn làm sinh ngữ 1 trong các kỳ thi. Nhờ học sinh ngữ ba trật ba giuộc, dốt cán mai, sai cán cuốc nên tôi có rất nhiều kỷ niệm đối với các Thầy, Cô Mậu và Thầy Ngân.
Bất cứ Thầy, Cô nào tôi cũng trân trọng dành riêng cho mình một góc khuất trong lòng để cất giữ những kỷ niệm. Đó là tài sản quí báu tôi còn gìn giữ được cho tới hôm nay. Mỗi khi có dịp tôi lại đem nó ra, mân mê, lau chùi sạch sẽ để rồi say sưa ngắm nghía nó với bao cảm xúc vui buồn dào dạt dâng trào, bồi hồi nhớ về một quá khứ xa xăm.
Hôm nay lại thêm một người Thầy nữa ra đi. Thầy Nguyễn Bá Mậu. Vẫn biết rằng không ai thoát khỏi vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng mỗi khi nghe tin một người thân ra đi, lòng vẫn đớn đau thương tiếc.
Thưa Thầy, vài hôm nữa, ngày 15 tháng 12 năm 2008, người thân của Thầy và nhóm học trò cũ của Thầy sẽ tiễn đưa Thầy lên đường về nơi Nước Nhược Non Bồng để Thầy an nghĩ giấc nghìn thu.
Con ở xa, không theo vịn được quan tài tiễn đưa Thầy đi, nên con ngồi đây khóc mà viết mấy hàng thương nhớ đến Thầy để tỏ tấm lòng biết ơn Thầy đã dầy công dạy dỗ.
Xin vĩnh biệt Thầy.
Một học trò cũ của Thầy những năm 1954-1958.