Xin tiễn đưa thầy Cung Giũ Nguyên
Từ nay rủ sạch hết ưu phiền
Cõi trần đau khổ nhiều oan nghiệp
Nước Chúa an bình lắm thiện duyên
Ngày xưa thầy rải bao tri thức
Bây giờ trò gặt lắm chân truyền
Thầy thênh thang bước vào thiên quốc
Chốn ấy thiên đường bạn với tiên .
Hương Cao
Ngọc lành tưởng vỡ lại hoàn nguyên
Ba chục năm qua lắm não phiền
Tài lắm lắm khi còn vướng tiếng
Tình bằng bằng ấy mối lương duyên
Thái huyền* thế giới còn ghi tích
Nam Hải* trùng khơi vẫn dấu truyền
Thắp nén tâm hương ly rượu tiễn
Khóc Thầy Cung Giũ chốn thần tiên
- Thái huyền: tên tác phẩm Le Boujoum
- Nam Hải: tên tác phẩm Le fils de la Baleine
Nguyễn Thanh Ty
Thời gian và Cung Giũ Nguyên
Cuối cùng, thầy tôi và nhiều thế hệ học trò từ những năm 1920 – 1970 ở Nha Trang, ông Cung Giũ Nguyên, đã qua đời ở tuổi 100. Còn nhớ, một dịp tết những năm 1970, lúc ấy thầy đã trên 60, lũ học trò đến nhà chúc thầy "sống lâu trăm tuổi", thầy nghiêm mặt, lên giọng: "Không được trù thầy bằng cái giới hạn trăm năm ấy!".
Lúc ấy, lũ học trò chúng tôi, tuy đang học triết với thầy Võ Doãn Nhẫn niên khoá 1973 – 1974 tại trường trung học bán công Lê Quý Đôn, nhưng cũng không mấy đứa để ý đến cái khái niệm thời gian mà thầy Nguyên đưa ra. Bản thân thầy Nhẫn cũng suốt đời đi tìm ý nghĩa của thời gian. Theo lời thầy Nhẫn, "sau cùng không chịu được nỗi niềm thao thức nhưng không kém tâm trạng nhức nhối về Thời gian, tôi đánh bạo viết điện thư qua thầy Nguyên nhờ thầy lý giải hộ: có Thời gian hay không..." Thầy Nguyên trả lời: "Thời gian hiện hữu thực sự anh Nhẫn ạ. Học sinh các lớp thảy đều công nhận hiện hữu Thời gian. Cứ mỗi lần các giáo sư giảng một bài tập toán hóc búa, các ông học trò non ấy đều thấp thỏm trông cho thì giờ trôi qua thật nhanh, nhưng khổ nỗi giờ phút trôi qua lại dài dằng dặc. Thế nhưng mà anh có quyền không chấp nhận cung cách nói về Thời gian của tôi đó nghe, tự do tư tưởng mà!".
Bây giờ ngẫm lại mới thấy ý nghĩa của thời gian thực hữu với thầy Cung Giũ Nguyên, vì ở cái tuổi bảy mươi, ông già đã miệt mài bên máy tính, để hoàn thành bản thảo tác phẩm Le Boujoum dày 756 trang bằng tiếng Pháp (sau đó chính thầy lại phải cặm cụi ngồi dịch ra tiếng Việt với tựa đề là Thái Huyền (NXB Đại Nam California,1994)). Đó là một cuốn tiểu thuyết triết học khó nuốt. Và Le Boujoum kết thúc cũng bằng một nhận định về thời gian: "Cuộc đời không có chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không, qua những giai đoạn thành, thịnh, suy huỷ, rồi thành…".
Cũng vậy, thời gian theo học thầy Nguyên của tôi chỉ có hai niên học, một ở trung, một ở đại học, nhưng đó là thời gian thực hữu qua nhanh, chứ không dằng dặc như ông nói xấu học trò trong định nghĩa thời gian ở trên. Nói về tài năng của ông trong một bài báo e không đủ, và sức cũng không đủ. Nói về một vài kỷ niệm có được với một người thầy hơn 40 năm đứng trên bục giảng thì khả dĩ.
Nếu thế hệ sau tôi, lỡ học Pháp văn nhằm thầy Nguyên đứng lớp thì hụt hơi liền! Đó là một ông thầy lên lớp không mảy may tôn trọng giáo trình, tuy đang là hiệu trưởng của trường chúng tôi đang theo học. Tôi nhớ bài học đầu tiên môn tiếng Pháp của niên khoá 1973 – 1974, có tính từ "loin" nghĩa là xa xôi. Thế là ông dẫn học sinh từ xa xôi đến hiu quạnh, đến cô đơn, với tất cả những từ phái sinh từ loin, và sau cùng ông nói về sự cô đơn của nhân loại – một lĩnh vực của... triết học. Đúng là ông thầy rất ư "sang đàng" chi địa. Hai giờ học chỉ có mỗi từ loin.
Có bận, có đứa học trò hỏi: thầy học triết hồi nào mà có thời gian thầy dạy triết ở Võ Tánh? Thầy Nguyên tỉnh bơ kể rằng có lần ông vào Sài Gòn, đến hiệu sách của ông Khai Trí, thấy bán nhiều sách triết, vốn trong túi đang có tiền, mới bảo cửa hiệu đo bán cho ông một thước sách triết, về để chưng trong nhà lấy le. Tình cờ thanh tra giáo dục ghé nhà, thấy ông có nhiều sách triết, trường Võ Tánh lại đang thiếu thầy triết, bèn mời ông dạy triết…
Thực ra, suốt đời ông, tự học là chính, vì từ năm 19 tuổi, học xong trung học, ông đã đi dạy học, đã có truyện ngắn đầu tiên đăng trên France-Asie. Tấm gương tự học của ông đã truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò. Ông tự học triết và toán tại thư viện một tu viện ở Đà Lạt mất mấy năm. Sau khi hết đi dạy, ông lại tiếp tục làm việc ở các thư viện, cũng chính một trong những nơi này giúp ông già làm quen với tin học, để còn kịp cập nhật mình với phương tiện mới.
Lợi dụng cái đầu bách khoa của ông, lũ con gái trong giờ học, hỏi đủ chuyện sang đàng, từ tâm lý tình cảm, đến cả tính dục, nhờ ông xem tướng, xem chỉ tay. Mấy thầy dạy triết như thầy Nhẫn mỗi lần gặp từ khó giải thích như "kê gian" trong bài giảng về libido của S. Freud môn tâm lý học, mới bảo qua nhờ thầy Nguyên giải thích kỹ hơn. Nghe hỏi, thầy Nguyên lại kể chuyện sang đàng rằng ông nuôi một chuồng gà mái, một hôm có ai đem cho con gà trống, ông đem nhốt chung và con gà trống tử nạn vì nghĩa vụ. Rồi ông mới giải thích từ kê gian gọn gàng là đạp mái, ai không hiểu, kệ!
Trong không khí lớp học phí phạm thời gian của thầy Nguyên, học trò học được nhiều chuyện làm người. Ngay cả chữ viết của từng đứa thầy cũng chú ý. Nhìn chữ viết, thầy có thể nói về hoàn cảnh gia đình, về tính tình của học trò. Có đứa học trò nữ lớp 12 được thầy bảo thẳng: "Chị mà không đổi chữ viết lại thì sau này chỉ có nước làm… gái!".
Cũng nhiều đứa thắc mắc tại sao thầy Nguyên viết bằng tiếng Pháp, có khi bằng tiếng Anh, ít viết bằng tiếng Việt. Tiếng Pháp của thầy thì nhà văn viện Hàn lâm văn học Pháp Daniel Rops thừa nhận từ năm 1956 qua cuốn Kẻ thừa tự ông Nam Hải. Còn lũ học trò đọc một số văn bản tiếng Việt của thầy thì kháo nhau, thầy viết tiếng Việt dở ẹc! Nghe được ông chỉ cười miệng móm sọm.
Những kỷ niệm thầy trò có với thầy Nguyên khó mà kể hết. Đó là ý nghĩa thời gian thực hữu mà tôi cảm nhận từ một người thầy với một khối lượng tác phẩm đồ sộ rất phi thời gian.
Công Khanh
CHUYỆN CỦA CỤ CHIM CÁNH CỤT
Chim cánh cụt
Chắc chắn chết
Còn cắc cớ
Cứ chần chừ
Chưa chịu chôn
Cho chúng chờ
Cong cả cẳng
Chúng cau có
Cụ cả cười
Cho chúng chết
α 7
Sáo ít nói