Thưa thầy, con vẫn tin rằng bây giờ thầy vẫn có thể đọc được những hàng chữ này của con. Hơn hai năm nay con đã quyết tâm giảm bớt lui tới nhà thầy để rồi một năm nay con đã ngưng hẳn việc lui tới nhà thầy. Con đã nói với thầy quyết tâm này rồi. Con là một mẫu người sentimental. Con sẽ rất đau khổ khi đi ngang nhà thầy mà không còn thầy ở đó. Thế nên con phải giảm bớt đi chuyện lui tới này để may ra tình cảm của con đối với thầy sẽ xuống thang từ từ và phần nào, ngõ hầu khi thầy không còn ở nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang đó nữa thì con bớt đau khổ hơn. Hôm nay quả thực con đã thấy suy nghĩ và quyết định của con là đúng. Bài viết hôm nay chỉ có tính chất thời sự chưa phải điều con đã từng hứa với thầy là con sẽ viết một cuốn sách dày về thầy để cho người ta thấy tính chất uyên bác, nhân văn, nhân bản, sâu sắc, tài hoa, và nhất là hài hước trong tác phẩm và trong con người của thầy. Con biết người ta ngộ nhận về thầy nhiều lắm. Thầy cũng biết rằng có rất nhiều tác giả văn hoc tài ba đã không nhận được giải Nobel Văn Học. Bây giờ thì CCC (Chim Cánh Cụt cũng có nghĩa là Chưa Chịu Chết) đã chịu chết. Requiescat In Pace.
NGUYỄN THÀNH THỐNG.
(Nha Trang ngày 8/11/2008. Sau cơn mưa trời lại sáng.)
Chữ trinh còn một chút này!
Nguyễn Thanh Ty
Theo Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế Giới 2004): Cung giũ Nguyên là một nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn Việt Nam. Ngoài ra ông còn có tên trong danh sách các nhà văn thế giới viết văn bằng tiếng Pháp. Tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản ở Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ và Việt Nam phát hành. Trong đó có những tác phẩm được chú ý nhiều như, về tiếng Việt: Một người vô dụng, Nhân tình thế thái, Nợ văn chương, Những ngày phiêu bạt, Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về…
Về tiếng Pháp, những tác phẩm nổi tiếng được thế giới biết đến nhiều vào những năm 1950-1960 như: Le fils de la Balaine, Le Domaune Maudit, tiểu luận Volontés d’existence, Le Boujoum, tập thơ Texte Profane…
(Trích Phan song Ngân )
“Trăm năm trong cõi người ta…”
Thầy Cung Giũ Nguyên đã đi trọn đọan đường trăm năm của “cõi người ta” vào ngày mùng 7 tháng 11 năm 2008, lúc 3giờ15 sáng, tại nhà riêng, số 60 đường Hoàng văn Thụ Nha Trang Khánh Hòa, một cách thanh thản, nhẹ nhàng.
Thầy sinh ngày 28 tháng 4 năm 1909 tại Minh Hương, Thừa Thiên, Huế. Sau khi “nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo” Thầy đã bách niên viên mãn tuổi trời ban.
Thầy đã rũ sạch bụi trần ai để về nơi “Nước Nhược” sau khi lưu lại cho hậu thế, nhất là đám môn sinh của Thầy, một gia tài văn học quí hiếm và nhiều lưu luyến tiếc thương.
Về tài năng và sự cống hiến của Thầy đối với xã hội, sách vở trong nước lẫn ngoài nước trên thế giới, người ta đã ca ngợi Thầy quá nhiều rồi.
Tôi chỉ là một học trò nhỏ của Thầy từ niên khóa 1955-1956, trường tư thuc Tương Lai, lớp Đệ Thất, học Pháp văn chỉ có một năm với Thầy, chia vẹc bờ “être” chưa sạch nước cản.
Qua năm sau, học Thầy Nguyễn Bá Mậu. Tới năm Đệ Tam, vào trường Võ Tánh, học Thầy Bửu Cân.
Cho nên hôm nay, tưởng nhớ đến Thầy, tôi chỉ có vài mẫu kỷ niệm nho nhỏ mà tôi vẫn ghi nhớ trong lòng mãi không quên, xin kể lại đây như một nén tâm hương thắp lên để tiễn đưa Thầy đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Hôm đó đang giữa giờ học, nhân viên văn phòng mang đến cho Thầy một bưu kiện. Thầy mở ra xem. Đó là những tờ quảng cáo cho cuốn sách của Thầy vừa mới in xong tại Pháp. Tờ quảng cáo in nhiều màu sắc rất đẹp trên giấy láng. Bọn nhóc chúng tôi thấy đẹp nhao nhao lên xin. Thầy vừa cười vừa phát cho mỗi đứa một tờ với lời dặn dò:
- Giấy dầy lắm đó! Các con không dùng được đâu!
Chúng tôi không hiểu ý Thầy nói. Mặc dù chúng tôi không đọc được những gì in trên đó, nhưng tờ giấy láng có nhiều màu sắc xanh đỏ rất đẹp vẫn được chúng tôi trân trọng mang về nhà dán trên vách, trước bàn học để dành khoe với mấy đứa bạn học trong xóm, khác trường, một cách hãnh diện:
- Tờ quảng cáo sách của Thầy tao, Thầy Cung Giũ Nguyên viết truyện bằng tiếng Tây, in tận bên Tây đó mầy!
Người ta học tiếng Tây bỏ vào bụng, còn tôi học tiếng Tây lại bỏ vào “vò”. Cho nên câu vè dân gian của xóm tôi thường dùng để chế diễu mấy anh học trò dốt như tôi, rất thấm thía:
“Tiếng Tây anh bỏ trong vò,
Đến khi Tây hỏi lại mò không ra!”
Chính cái lúc gặp Tây ngoài đường hỏi chuyện, miệng cứ lúng ba lúng búng, nói chữ được chữ mất, cứ như đang ngậm hột thị, thì tôi mới hiểu ra những lời giảng dạy và câu nói của Thầy năm xưa, lúc học vỡ lòng tiếng Tây.
Và cũng hiểu được thêm rằng “être” không chỉ có nghĩa “thì là mà” mà còn nhiều nghĩa thâm sâu, triết lý của cuộc đời như “hiện hữu” của Sartre, như “bản ngã” của giáo lý nhà Phật…mà lúc ấy chúng tôi chỉ nghe như vịt nghe sấm.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một cuộc đổi đời, một nền văn hóa mới, “văn hóa xã hội chủ nghĩa” được áp đặt lên miền Nam, tất cả những giáo chức ở Nha Trang (và có lẽ khắp miền Nam!) được lệnh cơm bầu, nước giỏ đến trường Tiểu Học Tân Phước để học tập ba ngày về đường lối chủ trương của “Nhà nước cách mạng”.
Số giáo chức Nha Trang chạy vào Sài Gòn khá nhiều. Số còn lại chỉ chừng hơn vài trăm, ngồi im phăng phắt để nghe cán bộ giáo dục thuyết giảng về “sự ưu việt” của “văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Mấy cán bộ ngồi trên bàn chủ tọa, súng lục xề xệ bên hông, phía sau lưng có ba anh “thầy giáo ngụy” đang lăng xăng hầu trà pha nước.
Không biết họ moi ở đâu ra mấy cuốn “Đồi thông hai mộ”, “Minh tâm Bửu giám”…cứ nhá lên, nhá xuống, vừa cười nham nhở vừa phê phán:
- Đấy! Cái thứ văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy như thế đấy!
Một trong ba cán bộ cộng sản ngồi bên trên có ông Cung Giũ Phú, ở ngoài Bắc mới vô, đang nắm giữ chức Giám đốc Khu Triễn lãm 2/4 tại Nha Trang, em ruột của Thầy Cung Giũ Nguyên.
Phía dưới đám “ngụy giáo”, Thầy Cung Giũ Nguyên ngồi hàng đầu. Suốt ba ngày, Thầy vẫn ung dung tự tại, thái độ điềm nhiên, ngồi yên lặng, miệng vẫn ngậm pipe, lơ đảng nghe lời giáo huấn của kẻ thắng trận.
Tôi ngồi sau lưng Thầy, lòng cứ bồn chồn, tâm trạng vừa ngao ngán vừa thắc thỏm không yên.
Ngao ngán cho sự đời, kẻ vô học được thời nhảy bàn độc thì ít, mà cho ba anh “giáo ngụy” điếu đóm sau lưng thì nhiều.
Kết thúc ba ngày “cải tạo tư tưởng”, làm bản “thu hoạch” để tổng kết thành tích học tập, “Ban Giảng huấn” mời Thầy Cung Giũ Nguyên đại diện cho học viên khóa học, lên phát biểu ý kiến.
Tôi tự hỏi không biết Thầy mình sẽ nói cái gì bây giờ? Nói theo chăng? – Không được! Nói nghịch lại để phản ứng chăng? - Lại càng khó. Sẽ “có vấn đề” ngay!
Trong lúc tôi đang lúng túng tìm cách để tự trả lời thì Thầy ung dung đứng dậy tại chổ, chứ không bước lên phía trên, và vẫn cứ bằng một giọng cố hữu, vừa trầm vừa chậm rãi, Thầy thong thả nói rõ từng tiếng:
- Trong ba ngày nay các ông đã nói quá nhiều rồi, quá đủ rồi, chúng tôi đâu còn có gì để nói nữa!
Nói xong, Thầy ngồi xuống và tiếp tục ngậm ống tẩu, thở khói.
Tự dưng tôi nghe hả hê trong dạ và chợt nhớ đến lời của Thầy Nguyễn Duy Nhường dạy Việt văn: “ Nghề dạy học có ba điều đáng hãnh diện. Đó là “Bần hàn bất năng di, phú quí bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất.”
Thầy Cung Giũ Nguyên của tôi đang thể hiện điều thứ ba một cách tự nhiên như ông đang hút ống vố.
Cách đây mấy năm, tôi nhận được một tape Video do Trung tâm CGN gửi tặng. Tôi không còn nhớ rõ là cuốn băng thu hình về buổi lễ trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo ở Nha Trang-Khánh Hòa hay là buổi họp mặt đầu xuân của toàn thể Thầy, Cô giáo còn lại quê nhà.
Tôi ngồi coi cuốn băng mà lòng cứ ngậm ngùi khi thấy lại hình ảnh của những người Thầy thân thương của mình giờ đây sao mà… mặc dù các Thầy Cô vẫn cười nói, vẫn vui vẻ…
Có Thầy vẫn còn tráng kiện lắm, bước đi vẫn còn mạnh mẻ, lưng vẫn còn thẳng dù tuổi đời ai cũng đã quá bảy mươi.
Hình ảnh cứ lần lượt chạy qua, sao trong thâm tâm tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh Từ Hải của Cụ Nguyễn Du:
“Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra chi.”
Nhưng đến đoạn Thầy Cung Giũ Nguyên được mời lên phát biểu, tôi đưa tay bấm âm lượng lớn hơn lên và chú ý lắng nghe.
Lâu lắm, kể từ ngày ấy, cái ngày mà “trời đất nổi cơn gió bụi”, tôi đã không có dịp nào gặp được Thầy nữa để nhìn lại cái cười nửa miệng của Thầy, nghe lại giọng nói “thâm trầm” của Thầy mà theo nhiều bậc trưởng thượng trong làng “nhà giáo” kể lại là “đêm nằm nghĩ lại nát bầm lá gan”.
Kể ra cũng đã ba mươi ba năm. Một phần ba đời người.
Tôi nhìn miệng Thầy nói, vẫn cái cười nửa miệng, vẫn cái giọng trầm trầm, nhưng đôi mắt hình như đã lờ đục sau đôi kính trắng.
Thầy nói rất ngắn, gọn:
- Hôm nay, trước các Thầy giáo, Cô giáo tôi xin nói về chữ trinh của nàng Kiều.
Bên dưới, tiếng các Thầy, Cô giáo cười rộ lên vui vẻ. Thầy lặng đi một chút cho tiếng cười lắng xuống rồi tiếp tục:
- Nàng Kiều sau mười lăm năm lưu lạc một kiếp phong trần, khi cả nhà được đoàn viên, Kim Trong xin nối lại tơ duyên, Kiều đã than rằng:
- “Chữ trinh còn một chút này!”
Các Thầy, Cô giáo có biết chữ trinh này nghĩa là gì không?
Nghe đến đây, bỗng dưng nước mắt tôi trào ra, không kịp ngăn lại. Một nỗi xúc động mãnh liệt vỡ òa trong tôi giống như dòng thác ngầm âm ỷ bấy lâu nay giờ bỗng được khơi nguồn. Dòng nước mạnh mẽ chảy tràn trề lênh láng trong đối mắt tôi.
Hình ảnh của Thầy Nguyên nhập nhòa trước màn ảnh ti vi không rõ nét. Tôi cứ để mặc cho nước mắt tôi tự do tuôn chảy. Tôi khóc to thành tiếng một cách ngọt ngào. Lâu lắm rồi tôi không khóc được. Nước mắt tôi đã khô cạn từ lâu.
Cám ơn Thầy Cung Giũ Nguyên. Cám ơn Thầy đã điểm đúng tâm huyệt của con. Cám ơn Thầy đã giúp con có thể khóc, có thể cười trở lại để còn đủ nghị lực đối diện với cuộc đời đầy nghiệt ngã, đau thương.
- Vâng, Thưa Thầy, con hiểu. Con nguyện theo lời Thầy mà mãi mãi giữ gìn tấm lòng trinh này.
Hôm nay Thầy đã giã từ cõi tạm, “cõi người ta”, nơi Thầy đã đến, để trở về lại quê hương vĩnh hằng.
Con xin dâng nén tâm hương và mượn mấy lời thơ của B/s Tâm Minh Lê đình Thám để tiễn đưa Thầy lên đường:
“ Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.”
Nguyễn Thanh Ty Boston 10/11/2008
Đọc tiếp trang 2
Đọc tiếp Tiểu sử