Tiếp theo trang 4
Tri Ân Thầy
Tưởng nhớ bậc Thầy Cung Giũ Nguyên
Giả từ trần thế lắm ưu phiền
Giáo sư học giả lừng danh tiếng
Huynh trưởng đầu đàn sáng phúc duyên
Thông bác văn chương còn dấu tích
Thăng hoa đạo đức mãi lưu truyền
Kính Thầy xin gởi bài thơ tiễn
Vọng tiếng tri ân tận cõi Tiên
Nguyễn Đình Sài (Đệ tử của Thầy năm 1957-1961)
Họa:
Xin tiễn đưa thầy Cung Giũ Nguyên
Từ nay rủ sạch hết ưu phiền
Cõi trần đau khổ nhiều oan nghiệp
Nước Chúa an bình lắm thiện duyên
Ngày xưa thầy rải bao tri thức
Bây giờ trò gặt lắm chân truyền
Thầy thênh thang bước vào thiên quốc
Chốn ấy thiên đường bạn với tiên.
Hương Cao (Học sinh Văn Hoá và Võ Tánh Nha Trang)
Họa:
Ngọc lành tưởng vỡ lại hoàn nguyên
Ba chục năm qua lắm não phiền
Tài lắm lắm khi còn vướng tiếng
Tình bằng bằng ấy mối lương duyên
Thái huyền* thế giới còn ghi tích
Nam Hải* trùng khơi vẫn dấu truyền
Thắp nén tâm hương ly rượu tiễn
Khóc Thầy Cung Giũ chốn thần tiên
Nguyễn Thanh Ty
Thái huyền: tên tác phẩm Le Boujoum
Nam Hải: tên tác phẩm Le fils de la Baleine
“Hôm nay Thầy đã giã từ “cõi người ta” để về lại quê quán, nơi Thầy đã đến.
Con xin dâng nén tâm hương và mượn mấy lời thơ của B/s Tâm Minh Lê đình Thám để tiễn đưa Thầy lên đường:
“ Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm long từ bi.”
( Nguyễn Thanh Ty - Chữ Trinh Còn Một Chút này! Boston 10/11/2008)
“Thưa thầy, con vẫn tin rằng bây giờ thầy vẫn có thể đọc được những hàng chữ này của con. Hơn hai năm nay con đã quyết tâm giảm bớt lui tới nhà thầy để rồi một năm nay con đã ngưng hẳn việc lui tới nhà thầy. Con đã nói với thầy quyết tâm này rồi. Con là một mẫu người sentimental. Con sẽ rất đau khổ khi đi ngang nhà thầy mà không còn thầy ở đó. Thế nên con phải giảm bớt đi chuyện lui tới này để may ra tình cảm của con đối với thầy sẽ xuống thang từ từ và phần nào, ngõ hầu khi thầy không còn ở nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang đó nữa thì con bớt đau khổ hơn. Hôm nay quả thực con đã thấy suy nghĩ và quyết định của con là đúng. Bài viết hôm nay chỉ có tính chất thời sự chưa phải điều con đã từng hứa với thầy là con sẽ viết một cuốn sách dày về thầy để cho người ta thấy tính chất uyên bác, nhân văn, nhân bản, sâu sắc, tài hoa, và nhất là hài hước trong tác phẩm và trong con người của thầy. Con biết người ta ngộ nhận về thầy nhiều lắm. Thầy cũng biết rằng có rất nhiều tác giả văn hoc tài ba đã không nhận được giải Nobel Văn Học. Bây giờ thì CCC (Chim Cánh Cụt cũng có nghĩa là Chưa Chịu Chết) đã chịu chết. Requiescat In Pace (Nguyễn Thành Thống - Nha Trang ngày 8/11/2008. Sau cơn mưa trời lại sáng - Vĩnh biệt Thầy Cung Giũ Nguyên. Nguồn Vietscience)
“Kính thưa Thầy,
Trong bức phát họa chân dung của Thầy in nơi bìa sau tác phẩm Le Boujoum có ghi lời đệ tử một thiền sư Trung quốc như sau: Khi chưa học với Thầy, thấy sông là sông thấy núi là núi. Khi theo học với Thầy, thấy sông không còn là sông thấy núi không còn là núi. Sau khi học với Thầy, thấy sông vẫn là sông thấy núi vẫn là núi.
Học trò cũ của Thầy đang sống nơi hải ngoại hay còn ở quê nhà trung bình đã học với Thầy hơn 40 năm rồi. Người trẻ nhất gần 20 năm, lớn nhất hơn 60 năm. Ngày nay, cách thấy sông, núi của mỗi người hẳn là khác nhau, và có thể khác cả cách thấy sông, núi của chính Thầy. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trong chúng con, hình ảnh Thầy không khác bao nhiêu. Đặc biệt, với thế hệ học trò Nha trang thuộc thập niên 50, hình ảnh đó gắn bó thân thiết với tuổi thơ chúng con. Không đơn giản chỉ là hình ảnh một người thầy có tài năng chuyển giao tri thức, mà dĩ nhiên Thầy có thừa khả năng đó trong phạm vi chuyên môn của Thầy. Gắn bó một cách đặc biệt vì đó là hình ảnh một vị Thầy khả kính biểu tượng của một thế hệ thầy giáo vào tuổi 100 mà chắc chẳng còn bao nhiêu ở lại với thế gian này, nhưng đã tác động sâu xa vào tâm hồn học trò mình”.
(Trương Hồng Sơn - Điếu văn của đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại)
ĐIẾU VĂN
Chín mươi tuổi, ngồi trước bàn vi tính
Ngót một trăm, vẫn mê mãi sách đèn.
Nhớ thầy xưa
Năm mươi năm về trước
Nửa thế kỷ trôi qua
Chúng con ra đời trong tao loạn
Trường lớp hiếm hoi
Trong số các thầy, may mắn được gặp thầy
Những đứa trẻ ngô nghê, trở thành học sinh trung học
Thầy đã dạy chúng con biết thế nào là học
Học thế nào để có thể làm người
Nhớ thầy xưa
Những lời thầy dạy, trăn trở cả cuộc đời
Thầy là tấm gương, là một người đối chứng
Tiếng tăm thầy là vô vàn hãnh diện
Uy tín thầy là tột đỉnh ước mơ
Thầy đã cho chúng con :
“ Volonté d’existence’, những ý chí sinh tồn
Đời thầy chẳng phải đầy dẫy những ý chí sinh tồn đó sao?
Thầy mở lối cho chúng con vào “Đời sống Tâm linh”
Thầy dẫn đường chúng con vào những khung trời triết học
Sống và chết với Nha Trang, thầy đến với ngư dân
“Le fils de la baleine”, là “ Đứa con Nam Hải”
Buồn cho đất nước điêu linh, Thầy viết
“Le domaine maudit” - Miền đất dữ
Thầy đã chỉ cho mọi người: đâu là cõi “Thái Huyền”
“Le Boujoum” giờ đây chẳng phải là tiếng vang huyền thoại?
Thầy ơi Thầy , chúng con rất hãnh diện vì Thầy
Tên tuổi Thầy vang vọng khắp nẻo trời
Học thức Thầy khiến người người khăm phục
Thầy ơi Thầy
Lâu lắm rồi vẫn nhớ mãi nụ cười
Giọng Huế xưa chứa chan tình đất biển
Cặp mắt kia nhìn thấu mọi tâm can
Chúng con tin rằng:
Thầy nằm xuống, nhưng vẫn còn sống mãi
Trong trái tim đàn trò cũ thân yêu
Trước linh cửu
giờ đây
Xin bái biệt
Trần văn Sáu (đại diện cho những học trò cũ của Thầy từ năm 1950 trở về sau)
Tôi vẫn nghĩ là mình cứng rắn và mạnh mẽ lắm nhưng sau khi kết thúc bài viết này thì tôi cảm thấy mình như rũ đi. Có lẽ trong tâm thức, cái ý nghĩ về sự tan tác và chia lìa của những người trong thành phố Nha Trang và chuyện không thể tiễn đưa người bác ruột của mình cũng như những người thân còn ở quê hương mình đến nơi an nghỉ cuối cùng là nỗi đau trong lòng tôi. Giờ đây, khi nghĩ về bác Cung Giũ Nguyên, tôi sẽ tâm niệm những lời căn dặn của ông về phương châm sống. Những điều mà nhà văn Ðào Thị Thanh Tuyền đã ghi lại trong bài viết Cung Giũ Nguyên, Nhà Giáo Dục, Nhà Báo và Nhà Văn như sau: “Phương châm sống của ông gói gọn trong bốn từ: nguyên, hanh, lợi, và trinh. Ông giải thích với tôi: ‘Nguyên là nguồn gốc - bất kỳ một việc gì cũng phải truy tìm cho được nguồi gốc và giải thích câu hỏi tại sao. Hanh là hanh thông - vượt lên những khó khăn; khi gặp khó khăn ta chia vấn đề ra thành những vấn đề nhỏ, từ vấn đề nhỏ chia thành những vấn đề nhỏ nữa và giải quyết từ từ. Lợi là lợi ích, lợi ích của mình phải gắn liền với lợi ích của người khác, những điều viết ra làm sao cho nhiều người trên thế giới đọc được. Trinh là hòa hợp - hòa hợp ở đây có ba ý: hòa hợp với thượng tôn, hòa hợp với tha nhân và hòa hợp với chính mình. Trong mỗi con người đều tồn tại ông thiện và ông ác, nhờ thượng tôn và những người xung quanh giúp đỡ để hòa hợp với chính mình.’”
Cung Thị Lan
Chủ nhật, 16 tháng 11 2008
Nguồn Tài liệu Tham Khảo và sử dụng:
Công Khanh: Thời Gian và Cung Giũ Nguyên- Tân Văn- 2008
Cung Giũ Nguyên: Thư Mục Cung Giũ Nguyên 2002
Ðào Thị Thanh Tuyền: Cung Giũ Nguyên, Nhà giáo dục, Nhà báo, Nhà văn
Lời Chia Buồn, Phân Ưu và Tưỏng Niệm trong diễn đàn trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang
Nguyễn Hữu Thứ: Giáo Sư Cung Giũ Nguyên Một Nhà Trí Thức Huế Ðáng Kính –
(trang 21-31) Tuyển Tập Nhớ Huế Canada- số 10 - xuân 1999
Nguyễn Phụng: Thầy Cung Giũ Nguyên và Truyện Le Fils de la Baleine, Greensboro, North Carolina 4, 2002
Nguyễn Thanh Ty: Chữ Trinh Còn Một Chút này! Boston 10/11/2008
Nguyễn Thành Thống: Vĩnh biệt Thầy Cung Giũ Nguyên. Nha Trang ngày 8/11/2008. Nguồn Vietscience
Nguyễn Xuân Hoàng: Thầy tôi, Nhà văn Cung Giũ Nguyên-Việt Tribune, năm 2001
Thanh Thảo: Trần Mai Ninh và Bài thơ Nhớ Máu,
Trương Hồng Sơn: Điếu văn, đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại tháng 11, 2008